Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ 'nâu' sang 'xanh'

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp... là giải pháp bảo vệ môi trường được nhấn mạnh tại Hội nghị môi trường toàn quốc.

Sáng 4/8, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc với chủ đề "Hài hoà phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững".

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.

thh-16595931489131634674850-1659605127.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần chuyển từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái - Ảnh: VGP/Thu Cúc.

"Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã chuyển từ bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện. Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá đã đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác BVMT, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Bên cạnh đó, chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, như vấn đề rác thải nhựa, BVMT nơi sinh sống… ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT.

Có thể thấy, đóng góp quan trọng của công tác BVMT giai đoạn 2016-2022 đã đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam ở vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng 37 bậc.

Nhìn thẳng vào những thách thức trong BVMT

Bên cạnh những thành công đạt được, trong báo cáo về các thách thức, cơ hội và định hướng của công tác BVMT trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Thứ nhất, tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát, song vẫn diễn biến phức tạp. Một số nơi vẫn ở mức đáng báo động, như ô nhiễm tại nhiều lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Nguy cơ này nếu không có giải pháp để kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ tác động lớn đến mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ hai, hạ tầng cho công tác BVMT vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tỉ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Mặt khác, mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý. Số lượng các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển và nhu cầu quản lý trên thực tế, dẫn đến thiếu thông tin cho việc dự báo, cảnh báo.

Thứ ba, khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều hạn chế. 

Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, bên cạnh các nguy cơ nội tại nêu trên, công tác BVMT còn đứng trước những thách thức lớn do tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các cam kết quốc tế về môi trường đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo đạt được các yêu cầu, cam kết và nghĩa vụ đã ký kết, thỏa thuận. 

Trong đó có cam kết theo các FTA thế hệ mới, Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" tại Hội nghị COP26; cam kết về thiên nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học…

Sẵn sàng cho 'cuộc đổi mới xanh'

Để Việt Nam đạt được mục tiêu về mức phát thải ròng bằng "0", bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ 6 hành động ưu tiên để thúc đẩy một "cuộc đổi mới xanh", hướng đến BVMT bền vững.

Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam cần tăng cường luật pháp về khí hậu để hướng dẫn và thực thi các hành động khí hậu trong nước, hướng tới các mục tiêu quốc gia về phát thải bằng 0. Thứ hai, để thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng công bằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng và bảo vệ người lao động và những người dễ bị tổn thương.

Trưởng đại diện UNDP cũng lưu ý, Việt Nam cần có một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo và chuyên dụng để tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất cả các nguồn đầu tư và phát triển.

Cùng với đó, cần có khung và cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn có tính hệ thống và gắn kết hơn để hỗ trợ phát triển kinh tế ít phát thải carbon và chống chịu với khí hậu. Đồng thời, phát triển dựa vào thiên nhiên cần được xác định là con đường bền vững.

mt48-16595932486801136033409-1659605127.jpg
Những mô hình BVMT được giới thiệu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc - Ảnh: VGP/Thu Cúc.

Cuối cùng, bà Caitlin khẳng định, việt Nam cần phấn đấu để chuyển đổi bao trùm, đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm của mọi chính sách. Việc này sẽ tối đa hóa các tác động tích cực về kinh tế-xã hội, đảm bảo lợi ích công bằng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ người lao động khỏi các tác động bất lợi khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0".

Truyền đi thông điệp về BVMT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, những thực trạng về môi trường hiện hữu buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc BVMT, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. 

Chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Theo Bộ trưởng, hội nghị môi trường toàn quốc lần này sẽ thống nhất các nhiệm vụ, kế hoạch hành động, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội bằng các giải pháp cụ thể để đạt được những mục tiêu BVMT.

Trước hết là nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác BVMT, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên. 

Bảo vệ môi trường trở thành tiêu chuẩn xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái. Khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm BVMT.

Bộ trưởng nhấn mạnh về giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.

Cùng với đó là giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các lưu vực sông chính. Thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải.

Đặc biệt, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới Bộ TN&MT cùng các cơ quan liên quan sẽ thực hiện lộ trình, triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng; giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.