Mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước

Xây dựng vận hành thành công và hiệu quả mô hình luân canh lúa Đông Xuân kết hợp nuôi tôm sú góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân trong vùng dự án.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh thực hiện nhiều mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước khi xây dựng Cống Cái Lớn - Cái Bé. Đó là mô hình tôm – lúa thí điểm trên địa bàn huyện Long Mỹ, diện tích khoảng 12 ha.

Cùng với đó, xây dựng vận hành thành công và hiệu quả mô hình luân canh lúa Đông Xuân kết hợp nuôi tôm sú góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân trong vùng dự án. Đây là mô hình điểm để nhân rộng cho toàn khu vực với diện tích thí điểm là 12 ha và mô hình dự kiến để nhân rộng là 500 ha.

Bên cạnh đó, mô hình lúa – rau màu, áp dụng trên địa bàn xã Lương Nghĩa, diện tích khoảng 19,3 ha, với 17 hộ tham gia. Mô hình này giúp người dân từng bước chuyển đổi hình thức sản xuất độc canh cây lúa sang luân canh lúa - rau màu có hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, từng bước nhân rộng cho toàn vùng nghiên cứu. Từ mô hình điểm này sẽ là cơ sở nhân rộng mô hình cho toàn khu vực với diện tích thí điểm là 19,3 ha và mô hình dự kiến để nhân rộng là 502 ha.

c5b53f90092700ac6efeef485aabfd1d-1638434145.jpg
Ảnh minh họa.

Mô hình điểm trồng mãng cầu xiêm được xây dựng ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, có diện tích khoảng 9,6 ha và 14 hộ tham gia. Mô hình này giúp bà con từng bước chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái (cây mãng cầu) có hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng hoàn thành hệ thống Cống Cái Lớn - Cái Bé. Dự kiến, nhân rộng mô hình cho toàn khu vực với diện tích thí điểm thực hiện 9,6 ha và diện tích mô hình dự kiến để nhân rộng là 1.500 ha.

Mô hình nữa là khóm - thủy sản giúp nâng cao thu nhập cho người dân từ mô hình sản xuất truyền thống thông qua việc nâng cao năng suất cho cây khóm trên đất phèn mặn, kết hợp nuôi thủy sản dưới mương nhằm đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích. Mô hình khóm - thủy sản được triển khai ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh với 9 hộ dân, đây là mô hình điểm khoảng 10 ha và diện tích mô hình dự kiến để nhân rộng là 1.000 ha.

Cũng theo ông Trần Chí Hùng, mô hình lúa – rau màu và mô hình mãng cầu xiêm đại diện cho khu vực sinh thái ngọt; mô hình khóm – thủy sản, và mô hình lúa – tôm đại diện cho khu vực sinh thái mặn – lợ. Qua đánh giá sơ bộ, tiến độ triển khai các mô hình sinh kế trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ cơ bản đạt yêu cầu.

Nhờ áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo chuỗi liên kết gia tăng hiệu quả hơn; nâng cao kỹ thuật canh tác, sử dụng nguồn nước, vệ sinh môi trường, xử lý đồng ruộng của người dân trong khu vực dự án. Mở ra cơ hội xúc tiến thương hiệu cho vùng sản xuất, hợp tác doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tổng kinh phí thực hiện dự án mô hình sinh kế khoảng 25 tỷ đồng.

Các mô hình sinh kế bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được thực hiện trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành cả nước. Đây là một trong những giải pháp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Việc xây dựng mô hình sinh kế tập trung cải tiến, nâng cấp và gia tăng giá trị sản phẩm cho các mô hình hiện có để ổn định sản xuất.

Hậu Giang là tỉnh có địa hình trũng thấp, lòng chảo. Tỉnh chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triều Biển Đông (bán nhật triều) và triều Biển Tây (nhật triều). Do vậy, Hậu Giang là vùng dễ bị tổn thương về biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Liên tiếp trong những năm qua, các loại hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là đợt xâm nhập mặn năm 2016 diễn ra rất khốc liệt gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, nhất là các vùng ven giáp sông Nước Trong, sông Nước Đục thuộc huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh./.