Hà Tĩnh: Chàng trai 9x lập nghiệp với kinh tế xanh từ trang trại tổng hợp

Dù đang học học Đại học nhưng anh Nguyễn Tiến Dũng (SN 1991, thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) lại bỏ ngang để về quê làm trang trại. Hiện nay, những sản phẩm từ trang trại của anh được nhiều người biết đến, tin dùng. Mỗi năm, trang trại cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Bỏ ngang việc học

z3609050614032-585df1f99490ba6399726ecc7801d8ec-1659364605.jpg
Những trái Thanh long ruột đỏ tại trang trại của anh Dũng.

Năm 2013, đang học năm thứ 2 Đại học khoa học Huế, nhưng nhận thấy không phù hợp với bản thân nên anh Dũng nghỉ học, cùng bạn bè đầu tư để kinh doanh nhưng lại thất bại, do đó anh quyết định về quê làm trang trại.

Nhớ lại thời điểm quyết định về quê trồng cây, anh Dũng nói: "Lúc đó bố mẹ, người thân, bạn bè và thây cô của tôi phản đối và buồn lắm. Nhưng tôi nghĩ, gia đình mình đất đai rộng nên đầu tư để trồng cây. Nhưng lâu nay, ở quê tôi nổi tiếng với cây cam bù, nên tôi nghĩ phải trồng loại cây khác với địa phương".

z3609050617358-5e6f3304a90a12c7ed8fe1071096afa9-1659364788.jpg
Anh Dũng chăm sóc cây Thanh long.

Đang băn khoăn với việc trồng cây gì thì có người rủ đi Quảng Ninh làm than thổ phí, anh Dũng lại vác ba lô đi. Ra Quảng Ninh vừa học, vừa làm, có thu nhập nhưng mạo hiểm, không thấy bền vững nên chỉ được 6 tháng anh lại bỏ về quê. "Khi đó tôi nghĩ, học xong đi làm công chức hay đi làm công nhân thì thời gian gò bó, lương cũng không ăn thua nên không gì bằng về đầu tư tại mảnh đất của gia đình vừa để phát triển kinh tế vừa gần gia đình", anh hồi tưởng.

Cuối năm 2013, anh Dũng quyết định ở hẳn lại quê làm trang trại, không đi đâu nữa, lúc đó anh "gánh trên vai" khoản nợ khoảng 400 triệu đồng. “Thời điểm đó, tôi vào Bà Rịa - Vũng Tàu tìm hiểu giống thanh long ruột đỏ. Trở về, trồng thử nghiệm, thấy hợp với đất vườn nhà. Sau đó, tôi vay vốn để trồng thanh long ruột đỏ cả vườn. Vậy là tôi bước đầu đã thành công trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên vùng đất đồi quê nhà”, anh Dũng chia sẻ.

Biệt danh "Dũng thanh long ruột đỏ"

Thành công với cây thanh long ruột đỏ tại vùng đất cam, sản phẩm của Dũng được khách hàng trong và ngoài địa phương biết đến và gọi bằng biệt danh "Dũng thanh long ruột đỏ".

z3609050645410-6b32bd88345255fd4be541524abdf07c-1659364743.jpg
Vườn thanh long quả to, mẫu mã đẹp, rất được khách hàng ưa chuộng.

Từ 200 gốc trồng thử nghiệm ban đầu, giờ đây Dũng đã trở thành một ông chủ trang trại thanh long ruột đỏ với hơn 2.000 gốc. Nhưng hiện nay, anh còn trồng nhiều loại cây ăn quả khác.

Dũng chia sẻ: "Khi mới bắt đầu làm trang trại tôi chỉ nghĩ mình phải trồng cây gì khác với người dân địa phương trồng. Nhưng giờ tôi quan niệm khác rồi, cây gì cũng phải trồng, vừa tận dụng được đất, vừa để loại cây này hỗ trợ loại cây kia tăng thêm thu nhập".

z3609050612321-68af83ee27fe53f255e2f0f685185310-1659364867.jpg
Sản phẩm được khách hàng tìm đến tận vườn để mua.

Hiện nay, với diện tích 5 ha vườn đồi, ngoài hơn 2.000 gốc thanh long ruột đỏ, anh Dũng còn trồng: 450 cây bưởi da xanh; 50 gốc xoài; 1.000 cây ổi; 5.000 m2 rau, dưa các loại; 500 cây cam giòn.

Chia sẻ với Phóng viên, anh Dũng cho biết, khí hậu, địa hình Hà Tĩnh khá tốt để phát triển diện tích thanh long ruột đỏ, đặc biệt, chất lượng ngon hơn ở nhiều vùng khác. Đây cũng là cơ hội để thanh long thương hiệu Hà Tĩnh có mặt tại các siêu thị và tiến tới xuất khẩu.

z3611371695786-a49a75ec2232c4d6f9f2aa60d66fca53-1659365203.jpg
Anh Dũng dùng mạng xã hội để quản bá sản phẩm.

Khi có sản phẩm, anh Dũng lên mạng xã hội để quảng bá và khách đặt hàng. Hiện nay, sản phẩm của anh được nhiều người biết đến và cứ khi có sản phẩm họ đến tận vườn để mua. Với thanh long ruột đỏ anh bán với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Dưa hấu, dưa lê, dưa chuột, ổi, xoài bán với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại và tùy thời điểm. Những năm qua, trang trại của Dũng cho thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, với cây thanh long ruột đỏ, anh chăm sóc, điều chỉnh để vườn của mình cho quả xen kẽ, cứ mỗi tháng thu hoạch 2 lứa bán. Sản phẩm thanh long ruột đỏ của anh Dũng được thương lái tìm đến tận nơi đặt hàng thu mua vì chất lượng ngon, ngọt hơn các vùng khác.

z3609050611021-df94dd552ecef3ef267c8558e033e740-1659365296.jpg
Ngoài trông cây ăn quả, anh Dũng còn chăn nuôi thêm dê, bò.

Để có nguồn phân bón phục vụ cho trang trại, gia đình anh nuôi 30 con dê, 10 con bò. Tuy nhiên, anh vẫn phải mua thêm phân gà ủ với men vi sinh để làm phân bón cho cây trồng, hạn chế và thậm chí không dung phân bón cũng như thuốc hóa học.

Ngoài cung ứng sản phẩm, anh Dũng còn tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống cũng như tiêu thụ sản phẩm cho 4 trang trại vệ tinh trên địa bàn huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Can Lộc.

z3609050616037-ae2e5f21b3d36e25c6e0edee63e8ec68-1659365363.jpg
Vườn rau, dưa các loại của anh Dũng.

Mô hình của anh Dũng giúp tạo công ăn việc làm cho 4 lao động trong gia đình, 2 lao động cố định và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày.

Trao đổi với phóng viên, Phan Duy Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn cho biết: "Anh Nguyễn Tiến Dũng là người đầu tiên trồng cây thanh long ruột đỏ tại huyện Hương Sơn. Hiện nay, anh còn trồng thêm các loại cây ăn quả, rau các loại khác nữa làm trang trại tổng hợp. Mô hình trang trại tổng hợp của anh Dũng là một trong những trang trại cho thu nhập khá tại địa phương. Ngoài ra, bố mẹ anh Dũng còn nuôi them ong, dê, bò… Mỗi năm, thu nhập từ trang trại cũng đạt hàng trăm triệu đồng. Là một thanh niên dám nghĩ dám làm, mô hình của anh Dũng được nhiều người dân trong địa phương cũng như các địa phương khác đến tham quan học hỏi", ông nói.

Nguyễn Duyên