Lai Châu:

Xuân về mang tiếng nhạc xòe vang vọng bản vùng cao

Trong không khí tràn ngập sắc xuân, tiếng nhạc xòe vang vọng khắp các bản làng vùng cao Lai Châu, tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi bước nhảy, mỗi vòng tay xoay tròn là lời chúc phúc, lời mời gọi một năm mới an lành đã đến.
xoe-thai-muong-so-1-1738494473.jpg
Xòe quạt là điệu múa phổ biến hay được trình diễn trong các lễ hội, mùa xuân ở các bản làng xứ Thái Mường So.(Ảnh VOV)

Ở xứ Thái Mường So hiện nay vẫn còn lưu giữ 36 làn điệu xòe cổ và được người Thái lưu giữ như hồn cốt dân tộc mình. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, không phân biệt già trẻ, gái trai, mọi người lại cùng nắm tay nhau múa xòe quanh đống lửa. Điệu xòe đã hình thành, phát triển và hoàn thiện, mô phỏng lại những bước đi của cha ông một thời đi khai phá đất đai, làm nương, trồng lúa, lấy nước.

Chị Lò Thị Tuyến, ở bản Vàng Pheo, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nói về điệu xòe Thái quê mình: "Khi nhìn các bà, các mẹ biểu diễn, bản thân mình đã được hòa mình vào điệu múa xòe. Bản thân tôi thấy mình như là những cánh hoa ban rừng được khoe sắc mình trong ngày hội tết. Mình cảm thấy yêu bản sắc văn hóa dân tộc quê mình hơn".

Còn chị Lò Thị Hường, bản Vàng Pheo, huyện Phong Thổ cho biết, trước khi hòa mình vào những điệu xòe quạt, xòe nón ngày xuân. Người Thái xứ Mường So nói rằng, múa xòe, nhất là múa xòe ngày xuân thì phải vui và càng đông càng vui. Càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, bản làng thêm rộ rã không khí Xuân.

"Chúng tôi rất tự hào được múa xòe, được lưu truyền các điệu múa xòe của các ông, các bà để lại. Lớp trẻ bây giờ đi làm ăn xa nhiều, nhưng cũng có rất nhiều người yêu điệu xòe cổ", chị Hường nói.

Chị Teo Thị Lơi, ở bản Vàng Pheo, xã Mường So chia sẻ: Sau những ngày, tháng dài vất vả lao động trên ruộng nương, không khí rộn ràng của những làn điệu xòe xuân làm mọi người quên đi những mệt nhọc thường ngày. Ở Mường So bây giờ, bản nào cũng có đội văn nghệ và chủ yếu là các chị em gái. Năm nào cũng vật, cứ trước tết Nguyên đán chị em lại cùng quây quần để học, luyện tập, khiến không khí thôn bản thêm rộn rã, vui tươi.

"Rất là vui khi mỗi khi đi làm về mệt nhọc, mấy chị em khi có chương trình văn nghệ dù có mệt mỏi gì thì cũng hết. Bài múa truyền thống của người Thái là không thể bỏ được, mà hết tuổi của ông bà lại truyền dạy cho lứa sau, lứa sau nữa vẫn phải có các điệu múa này", chị Lơi nói.

xoe-thai-muong-so-2-1738494455.jpg
Các làn điệu xòe Thái, nhất là xòe ngày Xuân đã cùng đồng bào Thái trắng xứ Mường So đi cùng năm tháng.(Ảnh VOV)

Người Mường So không ai rõ điệu xòe có từ bao giờ. Họ chỉ biết từ khi sinh ra đã thấy người lớn múa xòe và các điệu xòe đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân, trở thành nét văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng bản làng trong nhiều thế hệ.

Xứ Mường So ở Lai Châu, nơi từ lâu vẫn được biết đến là quê hương, nguồn cội của đồng bào dân tộc Thái trắng ở Tây Bắc, nức tiếng với những điệu xòe làm ngây ngất lòng người.

Theo ông Nông Văn Nảo, nghệ nhân xứ Mường So, xòe Thái được biết đến với 36 điệu xòe cổ và là nét đặc trưng của nghệ thuật dân vũ Thái. Cứ mỗi độ xuân sang, phụ nữ Thái ở đây lại sắm cho mình những bộ váy áo cóm mới để say với những điệu xòe. Nổi bật nhất là các điệu xòe du xuân như: xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe nhạc, xòe vòng…

Theo nghệ nhân dân gian Lò Thị Đối, ở bản Vàng Pheo, xã Mường So chia sẻ: Các động tác múa xòe ngày xuân cơ bản là vung tay lên cao, rồi mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh, cùng bước chân nhịp nhàng. Các điệu múa tuy đơn gian, nhưng thể hiện cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết của cả cộng đồng.

"Điệu xòe là kết nghĩa tình cảm, là gắn kết giữa cộng đồng với gia đình, với bạn bè và kết nối giữa đôi lứa. Khi múa các cháu phải múa dẻo, các động tác đu đưa theo nhịp thì mới di chuyển được", nghệ nhân dân gian Lò Thị Đối nói.

Theo ông Điêu Văn Thuyển, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ở thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, xòe xuân được chọn lọc gồm 6 điệu múa phổ biến. Không ai nhớ điệu xòe có từ bao giờ, chỉ biết từ khi lọt lòng, các em gái Thái đã được người già trong bản dạy rằng “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Câu ca ấy đã ngấm vào máu các bé gái Thái, để rồi lớn lên, những điệu xòe đó đã đi cùng các em từ mùa xuân này đến mùa xuân khác.

"Trong múa xòe được phân 2 loại, một loại xòe có diễn viên, khi đó con trai đàn tính và con gái xòe. Còn xòe cộng đồng hay còn gọi là xòe tết, nhạc cụ chính là trống, chiêng. Khi đó không phân biệt dân hay quan, giàu hay nghèo, tất cả đều cùng vào xòe được. Và những điệu xòe này người ta chủ yếu diễn từ mùng 1 đến 15 tết và chủ yếu vào ban đêm", ông Thuyền nói.

xoe-thai-muong-so-3-1738494549.jpg
Những ngày đầu năm mới, chị em phụ nữ đang luyện tập chuẩn bị chương trình văn nghệ cho những ngày Xuân. (Ảnh VOV)

Xòe là di sản văn hoá quý giá, đã được phổ cập, truyền thụ và có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa của đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Tại châu Mường So xưa, nay là các xã Khổng Lào, Bản Lang và Mường So (huyện Phong Thổ), trung bình mỗi bản đều có từ 2 đến 3 đội múa xòe. Nhiều địa phương cũng đã đưa múa xòe vào trường học để truyền dạy, giúp thế hệ trẻ tiếp cận và lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Mùa Xuân ở Lai Châu không chỉ là dịp để đón Tết, mà còn là thời điểm để người dân tôn vinh và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua điệu múa xòe. Những bước nhảy uyển chuyển, những tiếng nhạc rộn ràng, hòa vào không gian thiên nhiên hùng vĩ, trở thành lời chúc phúc ngọt ngào cho một năm mới an lành và thịnh vượng. Để rồi mỗi dịp tết đến xuân về, xòe không chỉ là nghệ thuật, mà là sợi dây kết nối cộng đồng, là biểu tượng của tình đoàn kết, yêu thương và sức sống mãnh liệt của bản sắc dân tộc, mang theo những giá trị văn hóa vượt thời gian./.

Khắc Kiên