“Net Zero tour” - Hướng đi mới cho du lịch Việt Nam

Những tour du lịch “Net Zero” là sự kết hợp giữa trải nghiệm, tham quan với bảo vệ môi trường đang trở thành một xu hướng mới ở nhiều địa phương. Sự phát triển của “Net Zero tour” không chỉ mở ra hướng đi mới cho du lịch mà còn đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Xu hướng du lịch mới 

Năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), Việt Nam đã ký cam kết đưa lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để có thể thực hiện được cam kết này, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách thúc đẩy các hoạt động kinh tế gắn với phát triển bền vững. Du lịch cũng là một lĩnh vực đang được chú trọng chuyển đổi theo hướng thân thiện với môi trường.

Trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy du lịch gắn với bảo vệ môi trường như: Cấm hoặc hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường tại các khách sạn, nhà hàng; thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông xanh… Và để đảm bảo phát triển ngành du lịch theo hướng “xanh hóa” hiệu quả nhất, nhiều địa phương đã bắt đầu thử nghiệm mô hình du lịch “Net Zero”.

“Net Zero tour” là mô hình du lịch mà các hoạt động trong đó đều gắn với bảo vệ môi trường. Khi tham gia tour du lịch Net Zero, du khách sẽ có những trải nghiệm mà đảm bảo không tổn hại đến môi trường. Các doanh nghiệp du lịch và lữ hành sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức, thực hiện các hoạt động tham quan thân thiện với thiên nhiên. 

Không chỉ là một xu hướng, Net Zero sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, những chương trình du lịch thú vị, mới lạ này còn thu hút thêm khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch Việt Nam. 

Thúc đẩy mô hình Net Zero để phát triển bền vững

Dự án “Net Zero tour” của iVietnam Travel là một trong những mô hình du lịch xanh tiên phong tại Huế. Khi tham gia vào tour, du khách sẽ có cơ hội tham quan thành phố Huế thông qua các phương tiện thân thiện với môi trường như xe ô tô điện, xe đạp điện, xe đạp truyền thống,... Công ty đã hợp tác cùng với Sở Du lịch thành phố Huế để đưa du khách tham quan hai điểm đến của dự án “Huế – Đô thị giảm thiểu nhựa miền Trung” là làng sinh thái Thủy Biểu và KODO Huế Hub. 

dap-xe-1743650630.webp
Du khách trải nghiệm tham quan thành phố Huế bằng xe đạp. (Ảnh: iVietnam Travel)

Ngoài ra, trong quá trình trải nghiệm tour, du khách cũng được yêu cầu sử dụng các đồ dùng bền vững thay thế cho nhựa dùng một lần như chai thủy tinh thay cho lon nhựa, túi vải thay cho túi nilon… Đồng thời, các bữa ăn có trong tour cũng sẽ là những sản phẩm nông nghiệp xanh. Sản phẩm tour du lịch Net Zero của iVietnam Travel đặc biệt thu hút khách du lịch nước ngoài và nhận được nhiều phản hồi tích cực trên trang đánh giá quốc tế uy tín TripAdvisor. 

Tại Bến Tre, cuối tháng 3/2025, Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T (Du lịch C2T) đã tổ chức Chương trình trải nghiệm thí điểm “Net Zero tour Bến Tre”. Du khách được tham gia vào các hoạt động gắn với đời sống sinh hoạt của người dân tại Bến Tre như: Tham quan làng nghề làm kẹo dừa, thưởng thức đờn ca tài tử, nếm mật ong hoa dừa, thưởng thức nước dừa,... Khách du lịch cũng được khuyến khích sử dụng các đồ dùng bền vững với môi trường trong suốt quá trình trải nghiệm.

Bên cạnh đó, hướng dẫn viên cũng sẽ tổ chức những trò chơi để du khách hiểu hơn về Bến Tre và nâng cao nhận thức nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, mỗi du khách khi tham gia sẽ được phát một cuốn sổ nhỏ tên “Net Zero passport” và bút để ghi chép, đánh giá về các hoạt động nằm trong tour, giúp chương trình được hoàn thiện và sớm đi vào hoạt động chính thức. 

Những mô hình du lịch “Net Zero” kể trên cho thấy tiềm năng không nhỏ về xu hướng chuyển đổi xanh trong du lịch. Đối với khách du lịch, "Net Zero tour" không chỉ là cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, hòa mình vào thiên nhiên mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cho cộng đồng. 

Đối với các doanh nghiệp, tour du lịch xanh không chỉ mở rộng thị trường, tăng doanh thu mà còn cho thấy trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Còn với các địa phương, tour du lịch Net Zero sẽ tạo ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế du lịch, góp phần nâng cao thu nhập của người dân cũng như đảm bảo cam kết giảm phát thải ròng bằng 0. 

image001-605333874-1743650630.jpg
Khách du lịch được phát "Net Zero passport" khi trải nghiệm tour du lịch Net Zero tại Bến Tre. (Ảnh: Cổng thông tin du lịch tỉnh Bến Tre)

Để "Net Zero tour" trở thành thương hiệu của du lịch Việt Nam 

Tiềm năng của “Net Zero tour” là rất lớn nhưng để phát triển được du lịch theo hướng xanh hóa thì vẫn còn có những khó khăn. Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn lệ thuộc vào sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chưa có biện pháp xử lý rác thải, gây ảnh hưởng tới môi trường. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý. Ngoài ra, một bộ phận khách du lịch, cộng đồng dân cư vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường. 

TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, muốn phát triển du lịch theo hướng Net Zero, các địa phương và doanh nghiệp cần đi tiên phong trong việc “xanh hóa” và “bền vững hóa” các hoạt động du lịch. Đặc biệt, cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bền vững để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh. 

469017586-563214413287986-818450933853572046-n-89275221928496475145922-1743650786.webp
Du khách sẽ sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường trong quá trình tham gia "Net Zero tour". (Ảnh: iVietnam Travel)

Còn ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, chuyển đổi xanh trong du lịch cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, cần rà soát lại các tiêu chí phát triển du lịch xanh của Việt Nam và ban hành bộ tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới, trên cơ sở đó hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất, dễ dàng chi tiết hóa tiêu chí du lịch xanh phù hợp. 

Ngoài ra, theo ông Thắng, cũng cần có thêm các chính sách ưu đãi, khuyến khích như: Hỗ trợ chương trình đào tạo về du lịch xanh, hỗ trợ hợp tác giữa doanh nghiệp với địa phương, thực hiện chiến lược truyền thông để lan tỏa các sản phẩm du lịch xanh… 

Trong quá trình phát triển của “Net Zero tour”, sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức du lịch là rất quan trọng. Như tại TP. Huế, Sở Du lịch thành phố đã đề ra nhiều chiến lược để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng xanh hóa. Theo kế hoạch, vào tháng 7/2025, Huế sẽ tổ chức “Hội nghị quốc gia về du lịch Net Zero” nhằm kết nối các tổ chức, doanh nghiệp du lịch lữ hành với các địa phương để tìm ra hướng đi cho du lịch bền vững.

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ước tính hàng năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường tại Việt Nam, trong đó có 0,28-0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Tuy nhiên, chỉ 27% trong số này được các cơ sở, doanh nghiệp tái chế, tận dụng. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải nhựa vẫn chủ yếu sử dụng những cách truyền thống như đốt, chôn lấp. Nếu không có các biện pháp để cải thiện tình trạng này sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

 

Nguyên Anh