Rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt

Ngày rằm tháng Giêng là lễ quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt nên ông bà ta có câu: "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng".
ram-thang-gieng-dnktx2-1739247740.jpg
Nhiều người thường sẽ đi chùa cầu bình an vào ngày Rằm tháng Giêng.

Rằm tháng Giêng mang đậm văn hoá truyền thống của dân tộc

Ngày này còn được coi là “Tết muộn” vì diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán. Vào dịp này, các gia đình không may có người thân bị ốm hay đi vắng vào đúng dịp năm mới có cơ hội được về đoàn tụ cũng gia đình.

Có tích cho rằng, tết Nguyên tiêu là ngày Vía Phật, tất cả những may mắn của năm mới đều ở ngày này. Lại có tích thứ hai, thời xưa có một vị vua cứ đến ngày rằm tháng Giêng cho mời các trạng nguyên vào hầu triều để nói chuyện đầu năm rồi cùng tham dự yến tiệc.

Cũng có quan niệm cho rằng ngày Tết Nguyên tiêu là ngày rằm đầu tiên của dòng họ, tổ tiên trong năm mới, chúng ta cần phải lễ tổ tiên trong gia đình.

Về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới âm lịch ("Nguyên" là thứ nhất, "tiêu" là đêm).

ram-thang-gieng-dnktx-1739247729.jpg
Treo đèn, kết hoa ngày Rằm tháng Giêng.

Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường,... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Ngày rằm tháng Giêng, người Việt thường đi chùa lễ Phật hoặc các đền miếu, di tích lịch sử để cầu bình an, tốt lành cho bản thân và gia đình. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình cùng chuẩn bị mâm cơm cúng, đứng trước bàn thờ tổ tiên nhớ về công đức của các bậc sinh thành, nhớ về nguồn cội. Tuỳ vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mỗi gia đình, vùng miền có mâm cỗ cúng khác nhau. Nhưng tựu chung lại đều thể hiện lòng tấm lòng thành kính đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên.

Theo phong tục truyền thống trước đây vào đêm 15/1 âm lịch, nơi đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ và thực hiện các nghi lễ cúng rằm tháng Giêng. Mặc dù hiện nay đã hạn chế rất nhiều, nhưng phong tục đêm rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá truyền thống mang đậm chất thơ của dân tộc.

Làm nhiều việc thiện, tâm bình an thì mọi chuyện đều suôn sẻ trong năm

Theo Ni trưởng Thích Đàm Lan, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư, trụ trì chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) cho biết, ngày rằm tháng Giêng còn gọi là lễ Thượng Nguyên – thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo.

Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo, vào ngày này chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật... Nhiều người tin rằng đây là đêm Phật giáng lâm nên rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may …

Việc cúng lễ trong ngày này phần lớn được tổ chức tại chùa, vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu mong quanh năm an lành cho bản thân và gia đình. Hoặc cũng có gia đình Việt Nam tụ tập ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ.

ram-thang-gieng-dnktx1-1739248191.jpg
Ngày Rằm tháng Giêng, người Việt thường đi chùa làm lễ cúng Phật và gia tiên.

Tuy nhiên, một số người vẫn đang hiểu sai rằng chỉ cần đi lễ chùa ngày này thì mọi lỗi lầm, sai trái đều được bỏ qua để cho đón nhận nhiều điều phước lành. Thật ra không phải vậy, Ni trưởng Thích Đàm Lan khuyên mọi người cả năm cần ăn ở tích đức, làm nhiều việc thiện, tâm bình an thì mọi chuyện đều suôn sẻ.

Ngày rằm đầu tiên của năm mới, nên với quan niệm đầu xuôi đuôi lọt, người Việt tin rằng nếu đi lễ chùa, chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn thì sẽ được may mắn, phước lành cả năm. Tại các nước Phật giáo, cộng đồng Phật tử dành 1 ngày tu lại chùa, suốt đêm tập thiền không ngủ để ôn lại và thực tập những lời dạy cao quý của Đức Phật.

Việc cúng rằm tháng Giêng 2025 vào ngày chính Rằm (15 âm lịch) là tốt nhất. Đây được cho là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm. Theo quan niệm, vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, cả năm bình an, may mắn.

Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.

Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, từ đó, không gian thờ cúng của ngày Rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn.

Bên cạnh đó, Rằm tháng Giêng đánh dấu sự kết thúc tháng "ăn chơi" của người nông dân để bắt tay chuẩn bị một vụ mùa mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bởi vậy, từ lâu nay, mọi người luôn quan niệm "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng".

Cũng theo quan niệm xưa, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ (từ 11h trưa đến 1h chiều) là thời điểm tốt nhất. Mọi người tin rằng, đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.

Trong tâm thức người Việt, ngày rằm tháng Giêng cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán. Những giá trị tâm linh, giá trị nhân văn mà ngày rằm tháng Giêng đem lại, sẽ trở thành hành trang để con người vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp./.

Tuấn Trần