Thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải từ nâng tầm liên kết nông dân và doanh nghiệp

Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai mạnh mẽ tại ĐBSCL. Nhiều giải pháp được áp dụng trong đó Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã thúc đẩy liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã.
ktx-canh-tac-lua-giam-phat-thai-2-1743644933.jpg
Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được các địa phương triển khai hiệu quả. (Ảnh minh hoạ)

Canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải tối ưu lộ trình bền vững ngành nông nghiệp

Mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra đời như một hướng đi mới. Không chỉ là một mô hình sản xuất, đây là một phương pháp tư duy canh tác tiên tiến, đặt yếu tố hiệu quả – bền vững – thân thiện môi trường làm trung tâm. Bên cạnh đó, liên kết trong chuỗi sản xuất chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ tạo động lực cho ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững.

Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ cuối năm 2023 và Hậu Giang được Bộ NN&MT chọn là địa phương đầu tiên của vùng ĐBSCL làm điểm phát động thực hiện đề án. Sau lễ phát động, trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với Bộ NN&MT cùng một số công ty, doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp, tổ chức triển khai thí điểm nhiều mô hình lúa chất lượng cao, với tổng diện tích 180ha.

Trong đó, có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: Quản lý sinh vật gây hại 40 ngày đầu sau sạ không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy; thực hiện giảm lượng giống gieo sạ; sản xuất ướt khô xen kẽ; canh tác lúa thông minh… Ngoài mô hình của tỉnh, các địa phương tham gia đề án trên địa bàn tỉnh còn triển khai nhiều mô hình tương tự. Kết thúc năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 15.600ha vùng sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp.

Tiên phong thực hiện 18ha lúa của gia đình theo mô hình sản xuất chất lượng cao, phát thải thấp với quy trình “tưới nước ướt khô xen kẽ”, ông La Văn Hành, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Khi thực hiện mô hình tôi được tiếp cận với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác lúa, nhất là sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước được hợp lý hơn so với trước đây, từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí trong sản xuất, năng suất lúa tăng nên tăng nguồn lợi nhuận. Từ hiệu quả lần đầu thực hiện trong vụ lúa Thu đông vừa qua, nên sang vụ lúa Đông xuân này, tôi tiếp tục áp dụng mô hình, đồng thời chia sẻ cách làm cho nhiều hộ dân có ruộng lân cận để cùng thực hiện đạt hiệu quả”.

ktx-canh-tac-lua-giam-phat-thai-1-1743645004.jpg
Cánh đồng canh tác lúa giảm phát thải tại HTX Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (Kiên Giang) cho lợi nhuận tăng cao trên 55,5 triệu đồng/ha trong vụ Đông Xuân 2024-2025. (Ảnh: Tam Phan – Huy Hồ)

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành, ở ấp 9A2, xã Vị Bình (huyện Vị Thủy, Hậu Giang), cho hay nông dân ở cánh đồng này đều áp dụng cơ giới hóa từ khi xuống giống đến thu hoạch lúa. Nhất là ở khâu phun thuốc, bón phân đều dùng thiết bị bay không người lái. Nhờ vậy, bây giờ nông dân làm ruộng khỏe lắm, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với phân, thuốc. Đặc biệt, liều lượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên ít thải ra môi trường, hạt lúa làm ra đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

“Hiện HTX có 100ha lúa sản xuất đạt chuẩn VietGAP. Các thành viên HTX đều được trang bị và áp dụng tốt kiến thức về mô hình sản xuất lúa theo hướng “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”, cũng như tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học vào phòng trừ dịch hại trên lúa. Qua đây tạo điều kiện thuận lợi để HTX triển khai có hiệu quả mục tiêu theo Đề án lúa chất lượng cao được triển khai tại HTX trong năm vừa qua”, ông Huỳnh Văn Dũng chia sẻ.

Theo Sở NN&MT Hậu Giang cho biết mô hình sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, giảm chi phí, giảm phát thải, tăng lợi nhuận được ngành nông nghiệp và người dân trong tỉnh đã thực hiện trong giai đoạn trước đó thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Theo đó, đã có gần 35.300ha thực hiện theo Dự án VnSAT, với tổng số lượng giảm phát thải khí nhà kính đạt 176.228 tấn.

Trong những năm tiếp theo, Hậu Giang tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện Đề án vùng lúa chất lượng cao theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều phấn khởi là khi triển khai đề án, người dân rất đồng tình ủng hộ và tham gia; đặc biệt là thông qua thực hiện các mô hình điểm theo đề án trong năm qua, nông dân đã thay đổi tập quán sản xuất, nhất là giảm sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng; qua đây tạo ra sản phẩm lúa gạo đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thúc đẩy liên kết từ Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo

Một trong những điểm nhấn tạo lực đẩy thành công cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL.

Dự án được triển khai từ năm 2023 – 2027 tại An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Trong vụ đầu tiên, các doanh nghiệp đã liên kết với 12 hợp tác xã (HTX) và 27 tổ hợp tác, với tổng số hơn 1.700 nông hộ với diện tích hơn 6.100 hecta thực hiện theo quy trình sản xuất lúa bền vững. Theo đánh giá, thông qua việc triển khai quy trình sản xuất lúa bền vững, lúa được canh tác đạt mức phát thải thấp, lợi nhuận của người dân tăng cao từ 54 đến 64%. Cùng với đó tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính của toàn dự án hơn 27.160 tấn CO2.

Là doanh nghiệp tham gia dự án và nhận được số tiền thưởng hơn 370 triệu đồng, với diện tích tham gia hơn 679 hecta, đạt mức giảm phát thải khí nhà kính hơn 3.100 tấn CO2, lợi nhuận cho nông hộ đạt hơn 43%. Ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ, dự án mang tính đột phá cho ngành hàng lúa gạo, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo theo hướng bền vững, xanh - sạch - thân thiện với môi trường.

“Dự án đưa ra những tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính để cho các doanh nghiệp tham gia. Dự án giống như là xây dựng các bước ban đầu để cho doanh nghiệp thực hiện đề án. Dự án này đưa ra tiêu chí hoàn toàn nằm trong đề án của Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ canh tác sản xuất ngập, khô xen kẽ, đưa rơm ra khỏi đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các khâu đều lấy trong tiêu chí đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp”, ông Phạm Thái Bình cho biết.

Trong vụ đầu tiên, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tham gia với diện tích hơn 660 hecta, với 165 hộ dân tham gia tại An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Số tiền thưởng nhận được từ giảm phát thải hơn 318 triệu đồng, mức giảm phát thải khí nhà kính hơn 2.700 tấn CO2, lợi nhuận cho nông hộ đạt trên 53%.

ktx-canh-tac-lua-giam-phat-thai-4-1743645047.jpg
Sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đảm bảo sản xuất theo chuỗi khép kín. (Ảnh VOV)

Bà Trần Thị Trà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, đây là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất lúa gạo theo hướng giảm phát thải. Tuy nhiên, để đạt được lợi nhuận và chứng minh giảm phát thải phải xây dựng quy trình canh tác đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng, tập huấn kỹ lưỡng cho nông hộ. Cùng với đó, cử cán bộ giám sát đồng ruộng và nông hộ thường xuyên. Đồng thời, ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng, cử cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm về vùng canh tác.

Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&MT tỉnh An Giang cho biết, dự án được triển khai tại 3 địa phương đã giúp người dân giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới. Đồng thời, tăng diện tích sản xuất, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định. Cùng với đó giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp đang triển khai ở các địa phương.

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để mà đảm bảo sản xuất theo cái chuỗi khép kín. Thực tế cho thấy mô hình sản xuất lúa bền vững chỉ có hiệu quả khi có cái sự hợp tác chặt chẽ,  sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Thứ hai, đó là ứng dụng khoa học công nghệ như là sử dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như là ngập khô xen kẽ, bón phân cân đối giúp cho nâng cao cái hiệu quả sản xuất”, ông Tôn Thất Thịnh cho biết thêm.

Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại Đồng bằng Sông Cửu Long được triển khai nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế cho nông dân. Dự án được thực hiện trong 6 vụ, từ năm 2023 đến 2027, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.

Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án cho biết, dự án hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh, thông qua vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp để cải thiện sinh kế nông dân và giảm phát thải. Qua vụ đầu tiên là vụ Hè Thu 2024 đã có 8 doanh nghiệp tham gia dự án với tổng diện tích 6.100 hecta và 1.719 nông hộ, tương đương hơn 4.000 nông dân. Theo đánh giá, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và liên kết chặt chẽ với nông dân. Nông hộ tham gia dự án đạt lợi nhuận trung bình 59%, cụ thể Đồng Tháp 64%, An Giang 56%, Kiên Giang 54%, vượt mục tiêu của dự án đề ra.

ktx-canh-tac-lua-giam-phat-thai-3-1743645097.jpg
Thu hoạch lúa tham gia dự án TRVC tại Kiên Giang. (Ảnh: Trung Chánh)

Theo đánh giá dự án đóng góp trực tiếp vào Đề án 1 triệu ha chuyển đổi lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai ở vùng ĐBSCL. Cùng với đó là tạo ra mô hình liên kết chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực và số hóa hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; kết nối và hỗ trợ các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, dữ liệu để góp phần cập nhật chính sách phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

“Chúng tôi sử dụng vai trò đầu tàu kéo của doanh nghiệp để giúp nông hộ trồng lúa cải thiện về sinh kế. Thứ hai là đạt được giảm phát thải nhưng mà đồng lợi ích từ áp dụng các biện pháp sản xuất lúa bền vững và cải thiện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo. Và mục tiêu là chúng tôi hỗ trợ việc phát triển thương hiệu gạo carbon thấp, và cuối cùng là sử dụng những bằng chứng của dự án để hỗ trợ việc cập nhật các chính sách thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh phát thải thấp”, bà Trần Thu Hà cho hay.

Những kết quả trên có tầm quan trọng và đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi hệ thống sản xuất lúa gạo phát thải thấp và việc thực hiện mục tiêu của Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” do Bộ NN&MT đề ra. Đồng thời giúp cho người dân, doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững, giảm phát thải, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Ngày 16/1/2024, tại TP Cần Thơ, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo công bố Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL (TRVC).

Được sự tài trợ của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, SNV phối hợp Bộ NN&MT cùng Sở NN&MT 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang triển khai Dự án TRVC. Dự án đã được khởi động triển khai trong năm vừa qua và chính thức triển khai vụ mùa đầu tiên từ vụ hè thu 2024 tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, với nhiều hoạt động nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu với BĐKH và các giá trị xã hội toàn diện, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Dự án không chỉ hướng đến mục tiêu cải thiện sinh kế của hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ ở ĐBSCL và giảm phát thải khí nhà kính mà còn cải thiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo các-bon thấp và hỗ trợ hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sản xuất lúa gạo các-bon thấp.

Dự án dự kiến hỗ trợ chuyển đổi sang sản xuất lúa phát thải thấp cho trên 200.000ha đến năm 2027, với sự tham gia của khoảng 200.000 nông hộ nhỏ, 50-60 hợp tác xã và 10-20 doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đó, giúp giảm ít nhất 15% chi phí đầu vào, giảm 10% lượng phát thải khí nhà kính và đảm bảo ít nhất 30% lợi nhuận cho nông dân...

Dự án cung cấp phần thưởng khuyến khích bằng tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân tham gia đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, với lượng phát thải được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định độc lập. Đồng thời, cung cấp các hỗ trợ để cải thiện phương pháp canh tác và chuỗi cung ứng trở nên bao trùm hơn cho nam giới, phụ nữ và người khuyết tật nhằm đảm bảo lợi ích được chia sẻ hài hòa trong cộng đồng. Điều này cũng góp phần cùng Bộ NN&MT và các địa phương thực hiện thành công Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC – SNV cho biết, dự án TRVC đi tiên phong sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả để khuyến khích và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đó, đẩy mạnh việc mở rộng ứng dụng trên quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các nông hộ nhỏ và toàn thể tác nhân trong chuỗi, nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và các giá trị xã hội bao trùm.

Trong vụ hè thu 2024 (vụ 1), tại 3 tỉnh triển khai TRVC có 8 doanh nghiệp đăng ký tham gia, gồm Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty TNHH Angimex – Kitoku, Công ty CP Lương thực A An, Công ty TNHH XNK Chơn Chính, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam – Vinarice, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Xuân Phương Kiên Giang, Công ty CP Thực phẩm Thiên nhiên Kinh Green, với tổng diện tích thực hiện 6.165ha.

Tổng lượng giảm phát thải đạt được là 27.807 tấn CO2. Ban quan lý dự án TRVC đã trao tổng số tiền thưởng cho các doanh nghiệp là 200.000 AUD, tương đương hơn 3,18 tỷ đồng. Số tiền này được các doanh nghiệp chi trả theo tỷ lệ cho các hộ nông dân tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Bình Nguyên