Thị trường carbon là một trong những cơ chế quan trọng nhất giúp giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Thông qua việc mua bán tín chỉ carbon, các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia có thể bù trừ phát thải bằng các hoạt động giảm thiểu khí CO₂. Với cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Việt Nam đang dần dần địa phương hóa việc xây dựng và vận hành thị trường carbon. Ngành nông nghiệp, vốn đóng góp một lượng phát thải đáng kể từ hoạt động canh tác, chăn nuôi và chế biến nông sản, hoàn toàn có thể trở thành một ngành hưởng lợi từ thị trường này.
Thị trường carbon hoạt động dựa trên hai hình thức chính. Thị trường bắt buộc do chính phủ điều tiết, quy định giới hạn phát thải cho từng ngành và doanh nghiệp. Thị trường tự nguyện do doanh nghiệp, tổ chức tự nguyện tham gia để cải thiện hình ảnh, thực hiện trách nhiệm xã hội hoặc tăng giá trị thương hiệu. Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường carbon. Các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững, hoàn toàn có thể hưởng lợi từ việc tham gia thị trường này.
Tiềm năng tạo tín chỉ carbon từ nông nghiệp Việt Nam
Nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc giảm phát thải và tạo tín chỉ carbon nhờ các hoạt động như chọn giống cây và áp dụng canh tác thân thiện với môi trường, sử dụng các giống cây cho năng suất cao, khả năng hấp thụ CO₂ tốt như lúa lai, ngô lai, và cây đậu. Giảm phát thải từ chăn nuôi thông qua xây dựng hệ thống biogas tận dụng chất thải, giảm lượng khí methane từ gia súc. Bảo vệ và phát triển rừng giúp hấp thụ lượng CO₂ đáng kể, mở ra cơ hội kinh doanh tín chỉ carbon từ hoạt động trồng rừng và bảo tồn.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thị trường carbon trong nông nghiệp và đạt được những kết quả đáng kể. Tại Hoa Kỳ, các chương trình tín chỉ carbon dành cho nông dân đã giúp khuyến khích các trang trại áp dụng phương pháp canh tác bền vững như trồng cây che phủ, không cày xới đất quá mức để bảo vệ độ ẩm và hệ vi sinh. Úc triển khai Chương trình Giảm phát thải (Emissions Reduction Fund), trong đó nông dân và chủ trang trại được khuyến khích thực hiện các biện pháp giảm phát thải như quản lý chăn nuôi, sử dụng phân bón hợp lý và bảo tồn đất đai. Liên minh châu Âu (EU) áp dụng hệ thống giao dịch phát thải (EU ETS), cho phép ngành nông nghiệp tham gia thông qua các dự án hấp thụ carbon từ đất và rừng.
Cách tính giá trị tín chỉ carbon và lợi ích kinh tế cho nông dân
Giá trị tín chỉ carbon được tính dựa trên lượng CO₂ giảm phát thải hoặc hấp thụ từ các hoạt động nông nghiệp. Một tín chỉ carbon (1 tấn CO₂) có giá trị dao động từ 5 đến 50 USD tùy theo thị trường và chính sách của từng quốc gia. Trên thị trường quốc tế, giá tín chỉ carbon có thể thay đổi theo cung cầu và quy định pháp lý.
Tính toán tín chỉ Carbon là việc tìm ra số lượng tín chỉ Carbon cần thiết bằng cách chia tổng lượng khí thải nhà kính cho hệ số phát thải của từng loại hoạt động sản xuất cụ thể bao gồm sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp,...
Hiện nay có 2 phương pháp để tính tín chỉ Carbon dưới đây:
Phương pháp dựa trên hoạt động
Công thức: Lượng khí thải KNK = Hệ số phát thải * Mức tiêu thụ/sản lượng
Hệ số phát thải: hệ số này được quy định bởi các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia để tính toán lượng khí thải KNK cho từng hoạt động cụ thể.
Lượng khí thải khí nhà kính: nhân hệ số phát thải với mức tiêu thụ nhiên liệu, nguyên liệu, sản lượng sản phẩm,...
Phương pháp dựa trên hiệu suất
Công thức: Lượng khí thải giảm = Lượng khí thải trước dự án - Lượng khí thải sau dự án
Xác định lượng khí thải trước và sau khi thực hiện dự án giảm phát thải.
Lượng khí thải giảm được sẽ được chuyển đổi thành tín chỉ Carbon.
Với các phương pháp canh tác bền vững, Việt Nam có thể tạo ra hàng triệu tín chỉ carbon mỗi năm từ các hoạt động như trồng rừng, cải thiện đất nông nghiệp và chăn nuôi giảm phát thải. Nếu khai thác hiệu quả, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon. Các hộ nông dân cũng sẽ được hưởng lợi khi tham gia các chương trình này, không chỉ từ việc nhận tiền từ tín chỉ carbon mà còn từ chi phí sản xuất giảm nhờ áp dụng công nghệ xanh và bền vững.
Năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).
Thách thức và giải pháp phát triển thị trường carbon trong nông nghiệp Việt Nam
Mặc dù có tiềm năng lớn, thị trường carbon trong nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.
Thiếu cơ chế chính sách rõ ràng về giao dịch tín chỉ carbon là một trong những rào cản chính. Hiện nay, khung pháp lý cho thị trường carbon vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, cũng như quá trình giám sát và cấp phép.
Chi phí ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để giảm phát thải vẫn là thách thức lớn. Việc đầu tư vào các công nghệ đo lường, báo cáo và kiểm chứng (MRV) đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận các khoản đầu tư này.
Nhận thức và trình độ quản lý của nông dân đối với thị trường carbon còn hạn chế. Phần lớn nông dân chưa hiểu rõ về cơ chế thị trường carbon và cách tham gia để tối ưu hóa lợi ích.
Biến động giá cả tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế cũng gây ra những rủi ro nhất định. Giá tín chỉ carbon phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy định chính sách, nhu cầu doanh nghiệp và các biến động kinh tế toàn cầu.
Để phát triển thị trường carbon trong nông nghiệp, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng chính sách rõ ràng về giao dịch tín chỉ carbon, đảm bảo quyền lợi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia thị trường.
Thứ hai, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc chính sách khuyến khích để giúp doanh nghiệp và hộ nông dân đầu tư vào công nghệ xanh.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và đào tạo chuyên môn về thị trường carbon cho nông dân, giúp họ hiểu rõ cách tham gia và tối ưu hóa lợi ích.
Thứ tư, xây dựng hệ thống đo lường, báo cáo và kiểm chứng (MRV) đạt chuẩn quốc tế để đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong giao dịch tín chỉ carbon.
Thứ năm, phát triển mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia thị trường carbon.
Thứ sáu, nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, thị trường carbon trong nông nghiệp Việt Nam không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế và cải thiện đời sống cho người nông dân./.