Anh hùng Ngô Thị Tuyển và cầu Hàm Rồng huyền thoại

Câu chuyện về Anh hùng LLVTND Ngô Thị Tuyển, nữ dân quân làng Nam Ngạn, một thiếu nữ mới 19 tuổi, với chiều cao khiêm tốn chỉ trên 1,4m và cân nặng 42 kg, nhưng đã làm nên nhiều kỳ tích.
a3-1743655005.jpg
Anh hùng LLVTND Ngô Thị Tuyển được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh hùng Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946, ở làng Nam Ngạn (nay là phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa), trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em.

Ngược dòng lịch sử 60 năm về trước, bị thất bại ở chiến trường miền Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc. Xác định từ Hà Nội vào Đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”, phá sập cầu Hàm Rồng là sẽ cắt đứt được mạch máu giao thông Bắc - Nam, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến.

Chỉ tính riêng trong hai ngày 3 và 4/4/1965, quân đội Mỹ đã mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Thanh Hóa với 174 tốp máy bay, 454 chiếc máy bay, ném xuống 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm, cùng hàng trăm tên lửa, rốc-két nhắm vào các khu vực trọng yếu của tỉnh.

Riêng khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực, Mỹ đã thực hiện 85 lần bổ nhào, 80 lần cắt bom bắn phá, ném 350 quả bom và bắn 149 quả đạn rốc-két. Thế trận diễn ra vô cùng căng thẳng và khốc liệt. Tại khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn, từng tốp dân quân kiên cường tỏa đi khắp nơi, tiếp đạn, tải thương.

Lúc này, nhiều anh chị em dũng cảm chèo thuyền, đưa đạn dược cho các pháo thủ dự bị tới từng trận địa. Trong bối cảnh ác liệt, Anh hùng Ngô Thị Tuyển, khi ấy mới chỉ 19 tuổi, đã tham gia tình nguyện tiếp tế đạn dược cho bộ đội, góp phần viết nên một trang sử hào hùng về tinh thần bất khuất và lòng dũng cảm của người dân Thanh Hóa trong thời kỳ khói lửa.

Ngày 4/4/1965, khi vừa làm xong nhiệm vụ truy lùng giặc lái Mỹ nhảy dù, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển gặp một chiếc tàu hải quân ta yêu cầu dân quân giúp vận chuyển vỏ đạn lên bờ và tiếp tế đạn xuống tàu.

a1-1743655005.gif
Ngày 4/4/1965 Ngô Thị Tuyển đã ghé vai vác một lúc 2 hòm đạn nặng 98kg, gắng sức vượt qua đê sông Mã, chuyển ra bờ để tiếp viện kịp thời cho bộ đội. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gặp phải 2 hòm đạn đai sắt móc chặt vào nhau, anh em dùng thuổng bật ra để vác nhưng không được. Sợ chậm trễ ảnh hưởng đến chiến đấu, Ngô Thị Tuyển ghé vai vác luôn 2 hòm đạn nặng 98kg, gắng sức vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho bộ đội.

Thêm một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên đối với nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, vào ngày 26/5/1965, khi hai chiếc tàu Hải quân của ta được giao nhiệm vụ tấn công tàu biệt kích Mỹ ngoài khơi, trong lúc cuộc chiến đang diễn ra, tàu của ta bị máy bay địch phát hiện và phải vừa di chuyển lên cụm pháo bảo vệ Hàm Rồng, vừa phải đối đầu với không quân Mỹ từ cửa Lạch Hới. Khi hai chiếc tàu tiếp cận đến khu vực làng Nam Ngạn, các chiến sĩ trên tàu phát tín hiệu cầu cứu.

Lúc ấy, bà Ngô Thị Tuyển đang trực chiến gần đó. Nhận thấy tình hình cấp bách, bà đã không chút do dự, ngay lập tức bơi ra biển, tiếp cận tàu bị hư hỏng. Khi lên tàu, bà chứng kiến nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh hoặc bị thương nặng.

Một chiến sĩ bị thương nghiêm trọng ở bụng, bà Tuyển đã nhanh chóng tiến hành sơ cứu tại chỗ. Sau đó, bà tiếp tục đưa một chiến sĩ bị thương lên boong tàu và ra hiệu cho lực lượng trên bờ biết để có thể ứng cứu kịp thời…

Chính trong trận đánh đầy ác liệt ấy, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển được kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa vào ngày 26/05/1966, đã ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời chiến đấu anh hùng của bà.

a2-1743655005.jpeg
Nữ dân quân làng Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển tại trận địa bên bờ sông Mã năm 1966. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh hùng Ngô Thị Tuyển đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, nhưng hạnh phúc lớn nhất với bà là lần đầu tiên được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966và ngày 01/01/1967 bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang.

Không chỉ được đón Bác tới dự Đại hội, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển còn được ưu tiên ngồi cạnh Bác lúc giải lao, được Bác trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, chuyện đồng đội, chuyện gia đình và cả chuyện tình cảm riêng tư…

“Sau khi bế mạc Đại hội, Bác mời các đại biểu đến Văn phòng Chủ tịch nước để gặp mặt. Bác chia kẹo, hỏi chuyện, rồi nhìn một lượt tất cả cán bộ, chiến sĩ và hỏi: “Cháu nào biết hai chớ, hai nên?”.

Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi cạnh và khuyến khích tôi đứng dậy trả lời. Sau một thoáng hồi hộp, tôi mạnh dạn nói: Thưa Bác, hai chớ là chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng; hai nên là nên khiêm tốn học tập, nên gần gũi quần chúng.

Bác khen: Cháu Tuyển nói đúng rồi, và hỏi mọi người - Có cháu nào làm được như cháu Tuyển không? Mọi người đồng thanh: Thưa Bác, cháu làm được ạ! Không khí cuộc gặp ấm cúng vô cùng…”, bà Tuyển xúc động nhớ lại.

Ngoài 3 lần gặp Bác Hồ, bà Tuyển còn được trao tặng Huy hiệu của Người và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc; được Đảng và Nhà nước tặng hai Huân chương chiến công hạng Nhất và hạng Nhì vì thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại tọa độ lửa Nam Ngạn - Hàm Rồng.

a5-1743655006.jpg
Phóng viên Tạp chí Doanh Nghiệp và Kinh Tế Xanh trao đổi cùng Anh hùng LLVTND Ngô Thị Tuyển nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng. Ảnh Sông Lô

Chiến tranh kết thúc, bà trở về với cuộc sống đời thường, bà Ngô Thị Tuyển tiếp tục cống hiến cho quê hương. Bà tham gia vào Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, rồi công tác tại Thị đội (nay là Ban Chỉ huy Quân sự TP Thanh Hóa).

Năm 2000, sau nhiều năm phục vụ trong quân đội và có những đóng góp xuất sắc, bà về nghỉ chế độ với quân hàm Trung tá. Trở về địa phương, bà tiếp tục tham gia hoạt động trong Hội Cựu chiến binh phường Trường Thi, nơi bà đảm nhận chức vụ Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh.

Dù thời chiến hay thời bình, người nữ anh hùng ấy cũng luôn nỗ lực, đóng góp hết mình vào các phong trào, nhận được nhiều giấy khen từ các cấp và luôn là đảng viên tiêu biểu, gương mẫu trong mọi hoạt động.

Bà không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và lòng tận tụy với công việc, mà còn là người lãnh đạo đầy nhiệt huyết, được đồng nghiệp và cộng đồng kính trọng./.

Sông Lô