Ngành đồ gỗ đối mặt thách thức lớn từ chính sách thuế mới của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thuế mới. Theo đó, từ ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại; từ ngày 9/4, mức thuế sẽ áp lên hơn 60 quốc gia, trong đó có Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%). Mức thuế này ảnh hưởng lớn đến ngành đồ gỗ và nội thất của nước ta.
photo2025-04-0310-01-48-17436495680621276438288-1743653146.jpg
Từ ngày 9/4, mức thuế Mỹ sẽ áp lên hơn 60 quốc gia, trong đó Việt Nam là 46%. (Ảnh minh hoạ)

16h ngày 2/4 giờ Washington DC (rạng sáng ngày 03/4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới. Theo đó, từ ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9/4, mức thuế sẽ áp lên hơn 60 quốc gia, trong đó có Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%).

Ngay sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành sau tuyên bố của Mỹ về mức áp thuế mới với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Cuộc họp có sự tham gia của người đứng đầu của các Bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác.

trump-ap-thuereuters11zon-1743632177431-1743653213.webp
16h ngày ngày 2/4 (giờ Washington DC), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới.

Nguy cơ hàng hoá Việt bị "chặn cửa" thị trường Mỹ

Với mức thuế 46% có hiệu lực từ ngày 9/4 sẽ có tác động đáng kể. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế (VCCI) cho biết, nếu kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ không đổi, 119 tỉ USD mỗi năm, thì hàng hóa của chúng ta sẽ phải chịu khoảng 54,74 tỉ USD tiền thuế, tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam.

“Còn nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10-20% so với đối thủ chính. Các mặt hàng chính gồm đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất…” - ông Đức phân tích.

Cụ thể, những nước là đối thủ của Việt Nam tại thị trường Mỹ như Thái Lan 36%, Ấn độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%..., trong đó Việt Nam phải chịu lên đến 46%.

Đồng tình với ý kiến này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng việc tiếp tục đánh thuế đối ứng với Việt Nam ở mức 46% là một diễn biến rất đáng quan ngại, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn.

Cũng theo ông Quốc Anh, mức thuế 46% là quá cao. Đây là mức thuế gần như "chặn cửa" đối với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu các ngành hàng chủ lực như gỗ, thép, dệt may, thủy sản, đồ gia dụng…

Ngành gỗ bị ảnh hưởng lớn

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến sản xuất hấp dẫn cho các công ty tìm cách tránh những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các doanh nghiệp lớn đã dần dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các chính sách thuế quan mà chính quyền Trump đã áp đặt từ nhiệm kỳ đầu.

z6159999561632f718146580af77fb50dbc4654cc36ce7-1736158480664391997439-8955-9769-1743652930.jpg
Ngành gỗ bị ảnh hưởng lớn từ mức thuế 46%. (Ảnh minh hoạ)

Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho thấy, nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã đạt 136,6 tỷ USD vào năm 2024, tăng khoảng 19% so với năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 2,8% trong cùng kỳ, sau khi đã giảm khoảng 18% vào năm 2023 so với năm 2022. Điều này cho thấy Việt Nam đã dần thay thế Trung Quốc và trở thành nhà cung cấp chính của nhiều tập đoàn lớn.

Tuy nhiên, với mức thuế 46% hiện nay, chính Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự như Trung Quốc trước đây. Điều này khiến các công ty Việt Nam phải xem xét lại chuỗi cung ứng của mình và đặt ra câu hỏi liệu họ có cần tìm đến một quốc gia khác để sản xuất hay không.

Trước tình thế đó, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam bày tỏ mức thuế này là “khủng khiếp” và hy vọng Việt Nam có thể đưa ra đàm phán. Bởi nhiều nhận định trước đó, mức thuế dự kiến thấp hơn, song con số 46% doanh nghiệp gỗ sẽ rất khó khăn.

Hiện ngành gỗ đang chịu điều tra theo mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Vì thế có thể trước mắt chưa phải chịu áp mức thuế này, song cũng không thể đoán định được về khả năng đánh thuế sau cuộc điều tra của Mỹ - ông Hoài chia sẻ thêm.

Đưa ra giải pháp, chuyên gia kinh tế tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam đã và đang đi đúng hướng, kịp thời đối với chính sách thuế quan. Đặc biệt đã kịp thời ban hành Nghị định 73 giảm thuế nhập khẩu cho nhiều mặt hàng, trong đó đồ nội thất bằng gỗ, thuế nhập khẩu được giảm từ 20% và 25% xuống cùng một mức thuế suất là 0%.

ab-134520-2320-1743653306.webp
Việt Nam nên chủ động giảm thuế, nhất là thuế đối ứng với những hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó lưu ý hàng nhập từ Mỹ. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, TS. Lực đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiên định với biện pháp này trong thời gian tới, tăng cường đối thoại. Ông cho rằng dù Mỹ áp thuế lên mọi quốc gia, với thị trường đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, Việt Nam nên chủ động giảm thuế, nhất là thuế đối ứng với những hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó lưu ý hàng nhập từ Mỹ. Gia tăng nhập khẩu thiết bị, hàng hóa dịch vụ thiết yếu từ Mỹ; chú trọng giải quyết các vướng mắc về đầu tư, thương mại cho nhà đầu tư Mỹ…

Cũng theo TS. Lực, với doanh nghiệp, cần tăng cường hơn nữa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất đi phải minh bạch, đầy đủ để khi cần chứng minh với phía Mỹ thì phải có ngay. Điều này hướng doanh nghiệp đến hoạt động chuyên nghiệp hơn, thích ứng hơn và mang tính bền vững hơn.

Trần Huyền