Thị trường carbon - chỉ có thể làm thôi, chứ không được quyền từ chối
Chuẩn bị cho hành trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon và trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án theo cơ chế phát triển sạch CDM - một cơ chế hợp tác được thiết lập trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto, nhằm hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện việc chuyển đổi năng lượng thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thực tế đã được khởi động từ năm 2018 khi những dự án tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên được đăng ký với một số tổ chức thẩm định hàng đầu thế giới như theo tiêu chuẩn Verified Carbon Standard (VCS), hoặc Gold Standard (GS).
Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu các dự án tập trung chủ yếu về năng lượng tái tạo, thủy điện. Số lượng tín chỉ không nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Phải khoảng 2 năm gần đây, nhất là khi Việt Nam chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon vào năm 2023, chủ đề này mới thực sự nóng lên. Cộng đồng và doanh nghiệp mới bắt đầu tập trung tìm hiểu.
Nhận định về tiềm năng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, ông An cho rằng, kể cả thị trường hạn ngạch, thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện, doanh nghiệp đang thiếu nhiều yếu tố và gặp không ít thử thách.
"Trong cuộc chơi toàn cầu, chúng ta chỉ có thể làm thôi, chứ không được quyền từ chối", ông An nói và hình tượng hóa thách thức bằng 4 chữ M.
Thách thức đầu tiên là "manpower" (nhân lực). Đại diện CCTPA nhận định, kiến thức của lãnh đạo cũng như từng nhân viên của doanh nghiệp về biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải khí nhà kính đang rất thiếu. Đặc biệt, Việt Nam đang thiếu rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.
Theo dự đoán của một số tổ chức quốc tế, đến năm 2030 thì riêng lĩnh vực biến đổi khí hậu, bao gồm ứng phó biến đổi khí hậu và tín chỉ carbon Việt Nam thiếu đến 150.000 nhân sự. "Đó là một con số đáng báo động", ông An nói.
Thứ hai là thách thức về "methodology" (phương pháp). Qua tiếp xúc với các chuyên gia quốc tế, đa số băn khoăn về vấn đề Việt Nam sẽ vận hành thị trường tín chỉ carbon theo kiểu bắt buộc hay tự nguyện, hay một phương án nào khác. Hai thị trường này có mối liên hệ tương quan với nhau và phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nhưng cách thức vận hành sẽ khác.
Yếu tố thứ ba là "money" (tài chính ). Phó Tổng Giám đốc Trường An nhìn nhận, tài chính đặc biệt quan trọng với bất cứ quốc gia hay tổ chức nào khi muốn chuyển đổi xanh và giảm phát thải. Suất đầu tư cho những việc này cực kỳ lớn và lớn hơn những công nghệ truyền thống bây giờ rất nhiều.
Cuối cùng là "machine" (máy móc, thiết bị). Theo ông An, yếu tố này sẽ đạt được sau khi các nước đã có giải pháp và tài chính.
"Thách thức không hề nhỏ nhưng chúng ta có cơ hội vì thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam còn mới và non trẻ. Dư địa hiện tại về tự nhiên, về diện tích rừng, mật độ che phủ rừng còn rất nhiều", Phó tổng giám đốc CCTPA đánh giá. Ông cũng cho rằng, khả năng áp dụng các công nghệ giảm phát thải trong nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa, sẽ tạo ra những bước đột phá về giảm phát thải ngay khi triển khai.
Lấy ví dụ về Indonesia. Vào tháng 12/2023, quốc gia này đã vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên của Chính phủ ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có thể học hỏi và trao đổi kinh nghiệm từ những mô hình này, theo ông An.
Cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để hoàn thiện thị trường tín chỉ carbon
Để giải quyết toàn diện các vấn đề, ông Nguyễn Võ Trường An đề xuất việc đẩy mạnh những công cụ số, giúp các cấp, các ngành số hóa toàn diện, tiến tới có thể đo đếm, giám sát, kiểm toán carbon một cách chủ động, thay vì phụ thuộc vào quốc tế như hiện nay.
"Dù là thị trường carbon bắt buộc hay tự nguyện thì doanh nghiệp cũng phải biết là đang phát thải như thế nào, đang phát thải nhiều ở những quy trình nào và phải được đo đếm bằng những con số cụ thể", ông An cho hay.
Nhấn mạnh việc chuyển đổi xanh và chuyển đổi số phải song hành, chuyên gia về tín chỉ carbon đề nghị đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển những bộ công cụ đo đếm. Mục tiêu trong dài hạn là tự động hóa toàn bộ quy trình để khi có đầy đủ dữ liệu thì một doanh nghiệp muốn làm một dự án tín chỉ carbon chỉ cần đưa dữ liệu vào tính toán, sau đó xây dựng biện pháp can thiệp.
Chia sẻ thêm về thị trường carbon, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, để vận hành được thị trường này các quốc gia trên thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn rất dài để phát triển thì mới có được kết quả.
"Cho đến nay Việt Nam đang ở giai đoạn tiếp cận để xây dựng và từng bước vận hành", ông Tâm nhận xét cho bổ sung, rằng Việt Nam đã có những căn cứ pháp lý quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 06 của Chính phủ. Trong đó, giao cụ thể nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan để xây dựng, vận hành thị trường carbon ở Việt Nam thời gian tới.
Điều Việt Nam còn thiếu hiện nay là những quy định cụ thể. Trong lúc chờ các văn bản hướng dẫn, tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ 2 trụ cột. Một là, hạn ngạch phát thải carbon. Dự kiến, những cơ sở phát thải lớn sẽ được Chính phủ giao hạn ngạch đến từng nhà máy. Hai là, tín chỉ carbon. Đây là sản phẩm từ rất nhiều hoạt động trong xã hội đóng góp và tạo ra để có thể mua bán trên thị trường.
Đối với các quy định về kiểm kê, thẩm định, đo đạc, báo cáo và thẩm định (còn gọi là MRV), ông Tâm cho rằng cần tham khảo những thị trường đã vận hành thành công như EU, Trung Quốc, Mỹ. Từ đó, tùy chỉnh theo điều kiện của Việt Nam để doanh nghiệp có thể tiếp cận từ đơn giản nhất trước khi nâng cao dần theo thời gian./.