Cơ hội cho sự phát triển bền vững thị trường carbon trong lâm nghiệp

Mới đây, tại TP.HCM diễn ra chương trình tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển” do trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc).
carbon-rung-1724387439.jpg
Trồng rừng, phát triển năng lượng tái tạo hay biện pháp giảm thải nào đều cũng có thể tạo ra tín chỉ carbon.

Việt Nam có đường bờ biển dài và hệ sinh thái ven biển dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, đã có những chính sách tiên tiến nhằm bảo vệ, mở rộng và nâng cao chất lượng rừng và hệ sinh thái ven biển. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cao trong việc phát triển thị trường carbon rừng, bao gồm cả carbon xanh, để tạo ra cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ các chính sách giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM cho biết, các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước (bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy, thủy triều, cỏ biển…) đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển.

a2-1724387550.jpg
TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm TP.HC phát biểu tại toạ đàm.

TS. Trần Đình Lý cho rằng thị trường carbon xanh từ các hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi. Nguyên nhân chính là do thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án carbon hiệu quả.

Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án carbon hiệu quả.

Tại buổi toạ đàm, nói về thực trạng và xu thế phát triển thị trường các bon rừng, TS. Phạm Thu Thủy, Đại học Adelaide nhận định, Việt Nam có nhiều ưu thế phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp.

Tiềm năng thị trường carbon có giá trị cao: đa dạng sinh học thứ 16 trên thế giới; 25 triệu người nghèo dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng; diện tích và chất lượng rừng ngập mặn, rừng trên cạn tiềm năng; có thể tiến hành nhiều loại hình dự án (trồng mới và tái trồng rừng). Song, quá trình phát triển thị trường này vẫn gặp một số khó khăn như: hạn chế về thông tin và tài chính để xây dựng các dự án; thách thức về kỹ thuật trong đo đếm, thẩm định và báo cáo carbon cùng các vấn đề khác.

Bên cạnh đó, để có thể phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần đồng bộ triển khai các giải pháp, từ việc đầu tư các dự án cho đến xúc tiến thị trường mua bán carbon…

TS. Vũ Tấn Phương - Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam thông tin, việc phát triển thị trường carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp đang gặp nhiều thách thức. Đơn cử, khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon.

Song song đó, vấn đề hạn chế về năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng (xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính; theo dõi, giám sát…); hạn chế về dữ liệu, minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải; thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp. Tăng chi phí trong xây dựng, thực hiện dự án và thương mại tín chỉ carbon (xây dựng dự án, báo cáo, giám sát phát thải); chi phí thẩm định; chi phí giao dịch tín chỉ carbon.

Đồng thời, ông Phương cũng cho biết thêm, hiện tại Việt Nam có nhiều tiềm năng tạo tín chỉ carbon trong lâm nghiệp. Cụ thể, rừng ngập mặn khoảng 15.000ha, 80% phân bố ở phía Nam; bãi triều khoảng 18.000ha, chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; cỏ biển khoảng 15.637ha (66% ở khu vực đảo Phú Quốc); trữ lượng carbon cao ở rừng ngập mặn, khoảng 8,7 triệu tấn carbon (1,4% tổng trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái rừng Việt Nam có tiềm năng khoảng 612 triệu tấn carbon).

a1-1724387596.jpg
Quang cảnh tại buổi toạ đàm.

Theo các chuyên gia tại toạ đàm, Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ carbon rừng (tiềm năng, vùng ưu tiên, khách hàng, cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư); đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, đặc biệt là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định; đảm bảo minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu phục vụ cho đo đạc, báo cáo và thẩm định, chia sẻ lợi ích, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường xã hội. Đồng thời, cần tối ưu hóa nguồn lực đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng thị trường carbon, đảm bảo hiệu quả thực hiện.

Với tổng diện tích 14,7 triệu ha rừng, Việt Nam có tiềm năng huy động một nguồn tài chính từ các dự án carbon lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng. Một số tính toán cho thấy, mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon. Điều đáng mừng là vừa qua, Việt Nam đã bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng). Đây là bước khởi đầu, cho thấy tiềm năng tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam, mở ra kỳ vọng cho những địa phương có rừng./.

Quốc Cường