Hội nghị “Một số vấn đề cần lưu ý theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, góc nhìn kiểm soát rủi ro” do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý. Hội nghị quy tụ khoảng 100 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố cùng các chuyên gia, các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn.

Đây là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021 - 2025, ban hành tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2024) của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hội nghị còn là hoạt động thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số trong số doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh những đóng góp tích cực vào nền kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế từ việc tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và cả nắm bắt về pháp lý, pháp luật liên quan. Vì vậy, việc tăng cường các hoạt động đối thoại, trao đổi cũng như hỗ trợ doanh nghiệp là điều rất cần thiết, giúp cho các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, hạn chế tối thiểu những rủi ro, mang lại hiệu quả tốt nhất và hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phía doanh nghiệp, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ về những rủi ro trước mắt, trong đó có rủi ro về tài chính, tín dụng, trái phiếu, thị trường chứng khoán trong nước và ngoài nước đã chịu những tác động,... đặc biệt rủi ro lớn nhất chính là quy định vốn của các doanh nghiệp Bất động sản. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 1 quỹ đầu tư và hầu hết các doanh nghiệp đều kêu gọi quỹ đầu tư từ nước ngoài. Điều này cũng là một trong những rủi ro mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Chính vì vậy, cần xây dựng đội ngũ pháp lý có năng lực, có trình độ; nên có kênh phản biện nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cũng như những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã nhấn mạnh những đổi mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 trong quản lý ngành, nghề kinh doanh, đặc biệt là việc cụ thể hóa nguyên tắc “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”, đồng thời làm rõ ranh giới pháp lý đối với các ngành, nghề bị cấm hoặc hạn chế đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư.
Đặc biệt, nhận diện bản chất pháp lý, quyền và nghĩa vụ đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh, từ đó giúp doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp với chiến lược phát triển và năng lực điều hành.

Nhằm nâng cao kỹ năng quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, bà Phạm Thuý Hạnh - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp cần xác định được các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, vận dụng đúng quy định pháp luật trong quá trình giải quyết công việc như rà soát đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan đến điều chỉnh vấn đề, lưu ý trường hợp có nhiều quy định về cùng một vấn đề.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã nhấn mạnh những đổi mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 trong quản lý ngành, nghề kinh doanh, đặc biệt là việc cụ thể hóa nguyên tắc “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”, đồng thời làm rõ ranh giới pháp lý đối với các ngành, nghề bị cấm hoặc hạn chế đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư.

Thông qua đó, doanh nghiệp được định hướng rõ ràng trong việc xác lập và triển khai lĩnh vực kinh doanh, bảo đảm không vi phạm quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, giúp doanh nghiệp củng cố cơ chế quản trị nội bộ và xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới./.