Qua rà soát của Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An, đến cuối tháng 3/2025, Nghệ An có 2.746 tàu đăng ký, trong đó 2.501 tàu cá đã cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, đạt 91,08%; 1.195 tàu cá còn hạn đăng kiểm, đạt 95,22%; 1.043 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đạt 99,05%; 994 tàu cá đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đạt 94,04%. Toàn tỉnh có 20.000 người lao động tham gia khai thác thủy sản.
Mặc dù đã xoá danh sách gồm 614/614 tàu “3 không” cuối năm 2024 nhưng do các giấy tời đánh bắt được cấp theo nhiều thời điểm nên gần như lúc nào cũng có tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU.
Cụ thể, tính đến 17/3/2025, toàn tỉnh Nghệ An có 245 tàu cá không có hoặc đã hết hạn Giấy phép khai thác thuỷ sản, 70 tàu cá hết hạn đăng kiểm, 10 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, 63 tàu cá chưa thực hiện cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Thực tế cho thấy, thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An đã rất quyết tâm và cứng rắn trong việc chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tuy nhiên để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU trên vùng biển có chiều dài gần 100 km của tỉnh Nghệ An là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp ban ngành và sự chung tay đồng lòng, hưởng ứng của người dân thì việc chấm dứt IUU mới thật sự có hiệu quả.
Đồn Biên phòng Quỳnh Phương quản lý địa bàn khu vực biên giới biển có chiều dài 15,5 km đường bờ biển với 3 xã, phường là Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) với 9.389 hộ/ 41.676 khẩu. Đây cũng là địa bàn có hơn 1.082 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 473 tàu có chiều dài trên 15 mét thường xuyên khai thác vùng khơi (trong đó có 53 tàu trên 24 mét).
Tình trạng tàu cá của ngư dân trên địa bàn khai thác hải sản sai vùng, tuyến và xâm phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định của luật thuỷ sản 2017, các khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU); mất kết nối giám sát hành trình; vi phạm quy định về không ghi thuyền viên làm việc trên tàu trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá, không mua bảo hiểm cho thuyền viên làm việc trên tàu; sử dụng kích điện, ngư cụ cấm để khai thác hải sản; vi phạm quy chế biên giới biển; tai nạn trên biển… vẫn còn xảy ra.
Thiếu tá Đặng Xuân Quang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết, để chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thuỷ sản, chung tay gỡ “thẻ vàng” EC về chống đánh bắt thuỷ sản bất hợp pháp, Ban chỉ huy đồn biên phòng Quỳnh Phương đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân nội dung, quy định về phòng, chống IUU để ngư dân chấp hành khai thác hải sản hợp pháp, đúng quy định.
Thường xuyên chỉ đạo, tổ chức tuần tra trên biển, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện xuất, nhập cửa lạch; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định (07 kiểm, 01 chứng). Nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình trên biển. Kiên quyết xử lý nghiêm người, phương tiện có các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định hiện hành.
Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương, tổ chức, rà soát điều tra, xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối GSHT trên biển theo thông báo của chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư, tăng cường công tác vận động và tuyên truyền cho nhân dân thực hiện quyết liệt và đạt hiệu quả cao nhất trong việc chấp hành pháp luật.
Quán triệt và triển khai các công văn, chỉ thị và hướng dẫn của cấp trên, xây dựng các kế hoạch và triển khai thực hiện chống khai thác IUU đạt hiệu quả cao nhất. Làm tốt công tác phục vụ Đoàn Kiểm tra của Bộ Chỉ huy, các ngành có liên quan về việc kiểm tra công tác triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Bộ đội Biên phòng Quỳnh Phương đã tổ chức quán triệt, thành lập tổ xử lý IUU, trong đó có 5 đồng chí tăng cường. Tổ chức điều tra, xác minh thực tế thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện, tiến hành làm việc trực tiếp với thuyền trưởng, tàu cá, photo các loại hồ sơ, giấy tờ của người, phương tiện tàu cá có liên quan.
Báo cáo kết quả điều tra, xác minh tàu cá về Phòng Trinh sát, Phòng Tham mưu, Thị uỷ, UBND thị xã Hoàng Mai, gửi Công văn đề nghị các nhà mạng và Tổ công tác liên ngành Thanh tra, kiểm soát nghề cá Quỳnh Phương về việc cung cấp thông tin, dữ liệu, thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Từ năm 2024 đến tháng 3/2025 Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã điều tra xác minh, tham mưu xử lý 80 vụ/ 81 đối tượng/ 80 phương tiện vi phạm trong lĩnh vực thuỷ sản. Xử lý vi phạm hành chính 2.312.800.000 đồng, nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Đối với tàu cá mất kết nối GSHT, tính đến ngày 30/3/2025 đơn vị đã tiến hành rà soát được 270 phương tiện mất kết nối VMS trên biển theo công văn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có 39 tàu trên 24 mét bị mất tín hiệu kết nối GSHT. Điều tra xác minh, tham mưu, xử lý 268 tàu cá /270 tổng số rà soát, trong đó đã tham mưu xử lý 66 phương tiện/ 2.239.500.000 đồng.
Thời gian tới, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản của các Bộ, ban, ngành về công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Tiếp tục điều tra, xác minh tàu cá mất kết nối GSHT khi hoạt động trên biển. Tham mưu chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai xử lý vi phạm hành chính các chủ tàu cá về hành vi không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hoá thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, trừ trường hợp bất khả kháng. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Để gỡ “thẻ vàng” IUU, Nghệ An huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương theo dõi, nắm chắc tình hình; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn vi phạm; chủ động phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An nắm tình hình tàu cá Nghệ An khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, các tàu cá mất, ngắt kết nối VMS để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm quy định về khai thác hải sản trên biển.
Ngoài hỗ trợ ngư dân tuân thủ quy định, Bộ đội Biên phòng Nghệ An kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm. Riêng năm 2024, đơn vị tuyến biển phối hợp với các lực lượng phát hiện, xử lý 191 vụ/36 đối tượng/146 chủ phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính trên 4,3 tỷ đồng.
Theo Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, hiện nay, công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong quản lý số tàu cá di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác còn chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong điều tra, xác minh thông tin và phối hợp xử lý đối với hành vi vi phạm.
Hầu hết phương tiện dưới 6m hoạt động đánh bắt nhưng không có giấy phép hành nghề khai thác do cấp có thẩm quyền cấp, thường xuyên thay đổi nghề khai thác, thời gian hoạt động trên biển ít, thường xuyên neo đậu ở các bãi ngang nên việc chấp hành đăng ký xuất, nhập lạch, trình báo với Trạm Kiểm soát Biên phòng còn hạn chế.
Trong thời gian tới, các cấp ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về hoạt động thủy sản, Luật Thủy sản 2017 và quy định về chống khai thác IUU. Các địa phương và ngành chức năng phối hợp tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ tàu cá trên địa bàn đảm bảo cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Kiên quyết điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền 100% trường hợp vi phạm khai thác IUU, trọng tâm là tàu cá gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác, tàu vận chuyển VMS của tàu cá khác, tàu cá ngắt kết nối VMS./.
Đón đọc bài 2: Nâng cao nhận thức, ngư dân vững tâm mỗi lần vươn khơi