"Thị trường carbon Việt Nam sẽ có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư"

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo và thị trường carbon, Việt Nam sẽ có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư; Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án không chỉ đối với thị trường carbon mà cả bộ máy tổ chức, cơ sở hạ tầng...

Ngày 22/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về phê duyệt Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

thi-truong-tin-chi-car-bon-1-1724331505.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đột phá trong triển khai Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. (Ảnh VGP)

Theo đó, chủ động phát triển thị trường carbon tuân thủ trong nước phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường carbon toàn cầu, góp phân tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo và thị trường carbon

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo và thị trường carbon, Việt Nam sẽ có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư: “Đây là cuộc chơi ai nhanh thì thắng, ai thông minh thì nắm bắt, tận dụng được cơ hội để từ đi sau, còn kém phát triển có thể vươn lên đi cùng, và vượt lên”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án không chỉ đối với thị trường carbon mà cả bộ máy tổ chức, cơ sở hạ tầng...

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan phối hợp, xác định cung - cầu của thị trường carbon trong nước, quốc tế; xây dựng khuôn khổ pháp lý để tính toán, đo đạc, xác định các sản phẩm giao dịch trên thị trường carbon như hạn ngạch phát thải khí nhà kính, các loại tín chỉ carbon... Từ đó, làm căn cứ xây dựng phương án vận hành tổng thể sàn giao dịch trong nước, cũng như điều kiện kết nối với thị trường quốc tế bảo đảm minh bạch, công khai, ngăn chặn tình trạng đầu cơ.

thi-truong-tin-chi-car-bon-2-1724331490.jpg
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan xác định cung-cầu của thị trường carbon; xây dựng khuôn khổ pháp lý trong tính toán, xác định sản phẩm giao dịch trên thị trường carbon làm căn cứ xây dựng phương án vận hành tổng thể sàn giao dịch trong nước và kết nối với thị trường quốc tế. (Ảnh VGP)

Theo bản dự thảo mới nhất, Đề án đặt mục tiêu phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp.

Thị trường carbon sẽ tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Giai đoạn từ năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Toàn bộ hạn ngạch được phân bổ miễn phí, chưa thực hiện đấu giá hạn ngạch. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bố đối với một số lĩnh vực phát thải lớn.

Các loại tín chỉ carbon được phép trao đổi, mua bán trên thị trường gồm các tín chỉ thu được từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước theo quy định của pháp luật; chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế.

Chủ thể tham gia mua, bán trên thị trường là các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn thuộc một số lĩnh vực phát thải do Thủ tướng ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, và tổ chức, cá nhân tham gia mua, bán tín chỉ carbon trên sàn giao dịch.

Kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực

Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới.

Phần lớn hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ miễn phí, phần còn lại được phân bổ qua đấu giá; xem xét bổ sung thêm các loại tín chỉ các-bon được xác nhận để giao dịch trên thị trường.

Chủ thể tham gia giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính là các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.

Chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon là tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.

thi-truong-tin-chi-car-bon-3-1724331599.jpg
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường carbon. Đây là việc cần thiết giúp bảo vệ môi trường thông qua giảm lượng khí thải carbon. (Ảnh minh họa)

Các tổ chức hỗ trợ giao dịch là những đơn vị thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tùy thuộc dự kiến quy mô thị trường có thể bao gồm các tổ chức làm các nhiệm vụ hỗ trợ giao dịch khác.

Việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo phương thức tập trung trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm vận hành, quản lý, theo dõi và giám sát thị trường tín chỉ carbon./.

Bình Nguyên