Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng nông sản, hướng tới phát triển bền vững

Những năm qua, Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực nông nghiệp an toàn và bền vững, với tỷ lệ cao các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đáp ứng quy định an toàn thực phẩm, mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản và xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường.
nong-san-2-1744638855.jpg
Nâng cao chất lượng nông sản là hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 2.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó 53 cơ sở đã được cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng như VietGAP, ISO 22000, GMP… Theo đánh giá của cơ quan chức năng, 95% các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm. ​

Kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thanh Hóa cho thấy, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trong năm 2024 chỉ còn 3,22%, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kiểm tra thường xuyên không chỉ phát hiện, xử lý và chấn chỉnh các vi phạm, mà còn tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.​

nong-san-1744638906.jpg
Việc tăng cường quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm và khuyến khích phát triển các sản phẩm an toàn đã góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Phan Thanh Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, nhận định: “Thông qua việc kiểm tra, giám sát, các doanh nghiệp sản xuất an toàn có cơ hội cạnh tranh lành mạnh, mang đến sản phẩm an toàn cho người dân”.​

Việc tăng cường quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm và khuyến khích phát triển các sản phẩm an toàn đã góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đây cũng là tiền đề để xây dựng thương hiệu, tạo tính bền vững lâu dài cho sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.​

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng nông sản, thực phẩm trên địa bàn.​/.

Viết Huy