
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp sẽ có quyền trao đổi hạn ngạch hoặc sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là việc nâng tỷ lệ tín chỉ carbon được phép mua để bù trừ lên tới 30% tổng hạn ngạch trong giai đoạn đầu - cao gấp ba lần so với mức 10% được đề xuất trong dự thảo trước đó. Dự kiến, Nghị định sửa đổi này sẽ được ban hành vào cuối tháng 4 năm 2025.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đề xuất này được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc tuân thủ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng tín chỉ thu được từ hoạt động trồng rừng hoặc các dự án giảm phát thải khác để bù đắp lượng khí thải phát sinh vượt quá hạn mức được cấp.
Song song với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan để khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật, nhằm đưa sàn giao dịch carbon quốc gia vào vận hành trong năm 2025.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường carbon tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ nhiều quốc gia và doanh nghiệp quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, qua đó gia tăng nguồn cung tín chỉ carbon cho thị trường.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống đăng ký quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon, các cơ quan chức năng đang tích cực thúc đẩy kết nối với các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như Verra và Gold Standard. Mục tiêu là đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy và khả năng liên thông quốc tế của thị trường carbon Việt Nam.
Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thị trường mới mang tính kỹ thuật cao này, Cục Biến đổi Khí hậu sẽ hợp tác cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng và phát hành sổ tay hướng dẫn chi tiết nhằm cung cấp các kiến thức và chỉ dẫn cụ thể cho doanh nghiệp Việt tham gia giao dịch tín chỉ carbon.
Hành động quyết liệt để đạt Net Zero
Được biết, hiện Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Tuy nhiên, với diễn biến thực tế hiện nay, chúng ta cần những hành động quyết liệt hơn để có thể thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Cục Biến đổi khí hậu đang tiến hành rà soát và chuẩn bị xây dựng Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn đến năm 2035. Đây là một phần trong cam kết của Việt Nam đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, qua quá trình đánh giá lại việc thực hiện các mục tiêu đề ra, ông Tấn nhận định Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ khó đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc triển khai chậm các giải pháp quan trọng như giảm dần sản lượng điện từ than đá và mở rộng quy mô các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.
Dù Việt Nam có tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo, với mục tiêu nâng tổng công suất điện gió và điện mặt trời lên khoảng 31–38 GW vào năm 2030 - tức gấp đôi so với hiện tại - nhưng quá trình hiện thực hóa mục tiêu này vẫn đang gặp nhiều trở ngại về kỹ thuật, chính sách và nguồn lực đầu tư.
Mặc dù vậy, Việt Nam đang có thuận lợi về chính sách khi chủ trương của Đảng và Nhà nước nhất quán về chuyển dịch năng lượng, tiến tới trung hòa carbon, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng loạt văn bản quy định mới được ban hành, tạo điều kiện để chuyển dịch năng lượng như Luật Điện lực (sửa đổi) cùng các nghị định hướng dẫn.

Ngoài ra, Chính phủ đã xem xét bổ sung 142 dự án điện mặt trời từng vướng mắc pháp lý vào Quy hoạch điện VIII, thể hiện nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cơ quan chức năng.
Các chuyên gia kỳ vọng rằng với sự chung tay của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể thực hiện được lộ trình giảm phát thải đồng thời với việc tăng trưởng kinh tế. Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua trong hành trình đạt mục tiêu Net Zero là nhận thức của người dân và doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để mục tiêu Net Zero không chỉ là một khẩu hiệu, cần có sự chuyển động đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, rồi xuống đến xã, phường và người dân. Các địa phương cần quyết tâm cao, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương để thiết lập cơ chế mạnh mẽ, đủ năng lực chuyên môn triển khai các chương trình giảm phát thải.
Việt Nam chỉ còn 25 năm để đạt được mục tiêu Net Zero. Chính vì vậy, việc hành động ngay từ bây giờ là điều cấp thiết để không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào cuộc đua xanh toàn cầu.