Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu. Việc xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon trở thành công cụ ngày càng quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xây dựng chính sách tài chính xanh
Tại Hội thảo tham vấn về thuế môi trường, thị trường carbon và trái phiếu xanh vừa diễn ra vào cuối tháng 3/2024, bà Cescile Vigneau, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra mục tiêu để đạt được net zero về phát thải trong chương trình nghị sự. Hiện nay, hệ thống tài chính quốc gia Việt Nam đang mong muốn hướng tới cam kết thực hiện định hướng xanh hóa chi tiêu công.
Đây là tiến trình đáng khích lệ và nước Pháp vui mừng được đồng hành cùng Việt Nam trong chương trình này thông qua các kinh nghiệm thực tiễn đã có để chia sẻ với Việt Nam. Thực tế trên tinh thần từ Hiệp định Pari 2015, cũng như sự thúc đẩy của các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện tiến trình phức tạp, dần tiến tới xanh hóa ngân sách.
“Nước Pháp hiện đang ở vị trí tiên phong trong thực nghiệm chính sách thuế môi trường, thị trường carbon và xanh hóa hệ thống tài chính công. Pháp thực hiện phong trào này với cách tiếp cận độc đáo đó là định giá yếu tố môi trường đa tiêu chí trong chi tiêu công và thực hiện từ năm 2021” - bà Tham tán Công sứ cho hay.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Thoả thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và AFD được ký kết ngày 10/7/2023 tại Paris (Pháp). Trên cơ sở các nội dung tại Kế hoạch hành động 2023-2024 được hai bên phê duyệt vào tháng 8/2023, Bộ Tài chính Việt Nam và AFD đã tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác, nhằm đưa quan hệ hợp tác cấp Bộ đi vào chiều sâu; phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xây dựng chính sách tài chính xanh.
“Hội thảo là cơ hội để hai bên tiếp tục có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và thực tiễn tốt của AFD về thuế môi trường, thị trường carbon và trái phiếu xanh. Đây là những nội dung mà Bộ Tài chính Việt Nam rất quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức, đòi hỏi các phản ứng điều hành chính sách cần chủ động, kịp thời” - bà Hoàng Thị Diệu Linh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách tại Việt Nam, cũng như kinh nghiệm triển khai tại một số quốc gia. Theo ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Tài nguyên môi trường (Viện Tài nguyên và môi trường), lần đầu tiên Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã đưa nội dung tín dụng xanh và trái phiếu xanh vào Luật. Có thể nói, đây là 2 công cụ hết sức quan trọng nhằm hỗ trợ việc hình thành thị trường tín dụng và trái phiếu. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường trước đó chỉ có quy định khuyến khích cấp tín dụng xanh, tài chính xanh cho các dự án bảo vệ môi trường, sau đó là tại một số nghị định do Bộ Tài chính đề xuất vấn đề này liên quan đến trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh.
Chia sẻ về các định hướng xây dựng phân loại xanh tại Việt Nam, ông Mạnh cho biết, danh mục phân loại xanh là nhằm tạo hành lang pháp lý, kỹ thuật đầy đủ, qua đó nhằm huy động các nguồn lực tài chính xanh để thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Danh mục này được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp…
Xét về tình hình triển khai trái phiếu xanh ở Việt Nam, ông Mạnh nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển thị trường trái phiếu xanh. Những tiềm năng đó trước hết là khung khổ pháp lý như Luật Bảo vệ Môi trường, được thông qua vào năm 2020 đã đưa ra định nghĩa pháp lý quy định về việc phát hành trái phiếu xanh của Chính phủ. Tiếp đến là nhu cầu mạnh mẽ từ các chủ thể tham gia thị trường và nhu cầu lớn trong việc cấp vốn cho các dự án mang lại lợi ích môi trường.
Cùng với đó, sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng được thể hiện qua cách tiếp cận chủ động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự hướng dẫn của Công ty Tài chính quốc tế… Vì vậy, ông Mạnh đề xuất khi xây dựng danh mục xanh cần phải đảm bảo nguyên tắc khoa học, công khai, phù hợp thông lệ chung của thị trường chung, nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghia, cũng như thực tiễn vận hành. Đặc biệt cần phải đảm bảo đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo ngăn ngừa các dự án thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ mang lại tác động xấu đến môi trường…
Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc xây dựng thị trường carbon
Vừa qua, Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp Expertise France vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Thoả thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về tăng cường năng lực xây dựng chính sách tài chính xanh. Chuyến công tác nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác được khởi động vào tháng 6/2023 với mục tiêu chung là góp phần tăng cường năng lực của Bộ Tài chính Việt Nam trong việc triển khai các quy định về tài chính công, xem xét các tiêu chí về môi trường và khí hậu trong phân tích chi tiêu công.
Đánh giá về tiến độ thực hiện dự án, ông Hervé Conan, Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam cho biết: “Cam kết của AFD trong khuôn khổ thoả thuận hợp tác nói chung và lĩnh vực cụ thể này nhấn mạnh sự coi trọng Pháp đối với việc chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệp trong lĩnh vực thị trường carbon, thuế môi trường và trái phiếu xanh. Chúng tôi hi vọng những kinh nghiệm của mình sẽ giúp Việt Nam thực hiện thành công chiến lược quản lý tài chính công bền vững hướng tới tăng trưởng xanh. Để làm phong phú thêm khuôn khổ hợp tác này, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các chuyến công tác thực tế tại Pháp và châu Âu nhằm mục đích trang bị cho phía Việt Nam kiến thức, kỹ năng và mạng lưới cần thiết để thực hiện hiệu quả và nâng cao năng lực xây dựng nền tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế”.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (VGGS) vào ngày 25/9/2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (GGAP) vào ngày 20/3/2014. Các văn kiện này xác định các mục tiêu cụ thể để thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát triển, tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đưa thị trường carbon vào vận hành thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028.
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997). Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Hiện nay, trên thế giới, giao dịch tín chỉ carbon được thực hiện trên 2 thị trường, đó là bắt buộc và tự nguyện.
Tại Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã hoạt động được một thời gian nhưng chủ yếu là từ lĩnh vực lâm nghiệp (rừng) và Chính phủ đang hướng tới xây dựng thị trường carbon bắt buộc. Theo đó, việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.
Theo Chuyên gia tư vấn cấp cao Patrick Criqui, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc xây dựng thị trường carbon, có một số lợi thế trong những ngành giảm và loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị xanh toàn cầu.
“Nguyên tắc của thị trường carbon là phân bổ hạn ngạch phát thải đối với một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế theo từng giai đoạn và từng năm. Hạn ngạch này phải phù hợp với tổng lượng khí thải của đất nước. Giống như các nước khác như Pháp hay nhiều nước châu Âu, Việt Nam đã chọn đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này có nghĩa là đến năm 2050 sẽ đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải carbon được tạo ra và lượng carbon được loại bỏ hoặc bù đắp. Tôi nghĩ nếu Việt Nam thực hiện theo đúng lộ trình, xác định rõ thị trường thì đây sẽ là một hệ thống hoạt động hiệu quả nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việt Nam có tiềm năng rất lớn”, ông Patrick Criqui cho biết.
Pháp dành nhiều hỗ trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đã cam kết 500 triệu euro, chủ yếu thông qua Cơ quan Phát triển Pháp để tài trợ cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường năng lực truyền tải điện./.