Ngành gỗ phát huy lợi thế đã có và những giải pháp ứng phó với 'kịch bản' áp thuế đối ứng từ Mỹ

Thời gian qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ thương mại toàn cầu, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng mà còn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ, bền vững. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy vậy, những thách thức đang chờ đợi, đòi hỏi ngành gỗ cần có những giải pháp ứng phó.
nganh-go-viet-nam-2-1744621669.jpg
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 3/2025 ước đạt 1,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý đầu năm đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. (Ảnh minh họa)

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 3/2025 ước đạt 1,5 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 3/2025 ước đạt 1,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý đầu năm đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,6%.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 9,5%, thị trường Nhật Bản tăng 21%, thị trường Trung Quốc giảm 15,2%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất ở thị trường Ấn Độ với mức tăng 95,9% và giảm mạnh nhất ở thị trường Hà Lan với mức giảm 45,1%.

Thời gian qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ thương mại toàn cầu, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng mà còn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ, bền vững. Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung ứng đồ gỗ, nội thất hàng đầu thế giới.

Ngành lâm nghiệp và kiểm lâm đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2025 đạt 18 tỷ USD, hướng đến 25 tỷ USD vào năm 2030. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển gắn với tăng trưởng xanh, 100% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.

nganh-go-viet-nam-1-1744621713.jpg
Thời gian qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ thương mại toàn cầu, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng mà còn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ, bền vững. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ngành gỗ đang phải đối mặt với những thách thức lớn như ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, căng thẳng chính trị quốc tế, tiêu chuẩn xuất khẩu, chính sách áp thuế mới,… đặt ra yêu cầu phải có chiến lược ứng phó kịp thời.

Nhìn nhận thực tế từ lĩnh vực lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết trong quý 1/2025, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành lâm nghiệp (từ trồng rừng, trồng cây phân tán, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản, chi trả dịch vụ môi trường rừng) về cơ bản đều đạt kết quả khả quan.

Đơn cử ngành lâm nghiệp ghi nhận nhiều kết quả tích cực với hơn 49.000 ha rừng trồng mới, tăng 12,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 4,3 triệu m3, tăng 16,6%; thu hơn 836 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng, xuất siêu đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Tuy vậy, ông Bảo cũng cho biết qua nắm bắt tình hình thương mại (nhất là việc Mỹ áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam), hoạt động xuất-nhập khẩu của một số doanh nghiệp cũng có chút ảnh hưởng, bởi không nắm được thông tin cụ thể để có hướng điều chỉnh.

Gần đây là việc Hoa Kỳ công bố áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu các nước, trong đó áp thuế đối ứng với Việt Nam lên tới 46%. Thông tin này đã trở thành “cú sốc” lớn đối với doanh nghiệp nông lâm nghiệp và thủy sản, nhất là các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ sang Mỹ.

Các kịch bản tăng trưởng đáp ứng theo tình hình áp thuế của phía Mỹ

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết một trong những vấn đề có tác động lớn đến “tâm lý” của doanh nghiệp nông lâm nghiệp và thủy sản trong quý 1/2025, là thông tin áp thuế đối ứng lên tới 56% từ phía Mỹ.

Chia sẻ thêm về hướng ứng phó, ông Đặng Ngọc Điệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và các Thứ trưởng, đơn vị này đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đáp ứng theo tình hình áp thuế của phía Mỹ.

Cụ thể, Vụ Kế hoạch - Tài chính dự kiến sau 90 ngày, nếu Mỹ áp thuế 0% thì cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành. Thậm chí với tốc độ tăng trưởng hiện nay, quý II sẽ tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng.

“Kịch bản thứ 2 là sau 90 ngày, nếu Mỹ áp thuế 2% thì xuất khẩu sẽ ảnh hưởng khoảng 10,7% và tỷ lệ tăng trưởng sẽ giảm 0,15 đến 0,2 %. Kịch bản thứ ba, sau 90 ngày, nếu Mỹ tiếp tục áp thuế 46% thì chúng ta sẽ còn giảm khoảng tầm 0,3-0,4% tỷ lệ tăng trưởng,” ông Điệp chia sẻ.

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, cũng cho biết sau khi nắm được thông tin Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày, cục này cùng với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đã xây dựng đề cương chi tiết về toàn cảnh xuất - nhập khẩu đối với Hoa Kỳ, để cung cấp báo cáo cho đoàn đàm phán.

nganh-go-viet-nam-3-1744621653.jpg
Ngành lâm nghiệp và kiểm lâm đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2025 đạt 18 tỷ USD, hướng đến 25 tỷ USD vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, kết thúc giai đoạn 1 điều tra về việc nhập khẩu các nguyên liệu gỗ vào Hoa Kỳ, ông Bảo cho biết Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cùng với các doanh nghiệp của Việt Nam đã tiến hành giải trình. Trong giai đoạn 2 là giai đoạn “điều trần”.

“Kinh nghiệm từ năm 2021 đến nay cho thấy đã có 3 cuộc điều tra về chống phá giá, liên quan đến gỗ hợp pháp và nhập khẩu gỗ từ nước ngoài. Tất cả các vụ này đều đã có kết luận và không có vấn đề gì xảy ra. Chủ yếu yêu cầu từ phía Hoa Kỳ là đề nghị các doanh nghiệp của Việt Nam phải khai, nộp đầy đủ các loại hồ sơ trong 5 năm, để có thể truy suất lúc cần thiết”, ông Bảo chia sẻ và nhấn mạnh quan điểm tiên quyết của bộ, cục là nói không với vấn đề gian lận nên càng minh bạch càng tốt.

Về nhiệm vụ trong quý 2/2025 cũng như trong thời gian tới, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng theo dõi diễn biến của việc áp thuế của Hoa Kỳ, thúc đẩy đàm phán với Hoa Kỳ cũng như áp dụng các giải pháp tích cực để giảm thiểu tác động bất lợi cho doanh nghiệp và nông dân; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài./.

Trọng Bình