Xây dựng thị trường carbon là “cuộc chơi mới” cho từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, xây dựng thị trường carbon là “cuộc chơi mới” mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giảm phát thải, tăng hấp thụ khí carbon sẽ được chi trả từ tiền bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon. Đây là chi phí lợi nhuận cho từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, Nhà nước phải tạo sân chơi, luật chơi, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành và có phân kỳ thí điểm.

Nội dung trên được chia sẻ tại cuộc họp về Đề án thành lập thị trường carbon được tổ chức vào ngày 12/7 tại Trụ sở Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì.

thi-truong-tin-chi-cac-bon-1-1720793992.jpg
Sáng 12/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về Đề án thành lập thị trường carbon.

82 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ký thoả thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon

Phát biểu tại cuộc họp về Đề án thành lập thị trường carbon (Đề án), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, mặc dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới, nhưng 82 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ký thoả thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon.

Tại Việt Nam, thời gian qua có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Dự kiến, trong tháng 7/2024, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Dự kiến giai đoạn thí điểm, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch thuộc lĩnh vực phát thải lớn như nhiệt điện, sắt, thép, xi măng (tổng số khoảng 100 cơ sở) nằm trong danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính.

thi-truong-tin-chi-cac-bon-2-1720794038.jpg
Lãnh đạo đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại cuộc họp.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP sẽ có thêm quy định về kiểm kê, thẩm định, phân bổ hạn ngạch phát thải, tổ chức thị trường carbon, hoạt động trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế.

Dự kiến, lộ trình triển khai thị trường carbon gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm (năm 2025-2027); Giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2028 và giai đoạn sau năm 2030.

Đề án đưa ra các nhóm giải pháp: Kiểm kê khí nhà kính và phân bố hạn ngạch phát thải khí nhà kính; Quản lý tín chỉ carbon; Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Quản lý, kiểm tra, giám sát; Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.

Các nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; Xây dựng hệ thống giao dịch và tổ chức, vận hành thị trường carbon; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thị trường carbon cho các đối tượng.

Chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon gồm là tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon; tổ chức hỗ trợ giao dịch. Các giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện trên sàn giao dịch theo phương thức tập trung trên nền tảng trực tuyến.

Lãnh đạo Bộ TN&MT đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) hoàn thành việc ban hành quy định kỹ thuật kiểm kê phát thải khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định cho các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã nêu những vấn đề phát sinh khi hình thành thị trường carbon, như tạo cung-cầu; đánh giá tác động đối với doanh nghiệp, ngành kinh tế; hàng lang pháp lý...

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, xây dựng thị trường carbon là “cuộc chơi mới” mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giảm phát thải, tăng hấp thụ khí carbon sẽ được chi trả từ tiền bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon. Đây là chi phí lợi nhuận cho từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, Nhà nước phải tạo sân chơi, luật chơi, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành và có phân kỳ thí điểm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cũng cho rằng, mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

thi-truong-tin-chi-cac-bon-3-1720794072.jpg
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc vận hành thị trường carbon phải theo lộ trình, dưới sự quản lý của Nhà nước phù hợp với năng lực, mức độ phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc phát triển thị trường carbon có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính, cũng như thích ứng với những chuyển động rất nhanh của các thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Mục tiêu của Đề án là thực hiện cam kết với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực chuyển đổi xanh cho các ngành, lĩnh vực kinh tế tham gia vào thị trường thế giới. Theo đó, việc vận hành thị trường carbon phải theo lộ trình, dưới sự quản lý của Nhà nước phù hợp với năng lực, mức độ phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế, bảo đảm lợi ích quốc gia.

"Để bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, đất nước, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các ý kiến phân tích, làm rõ điều kiện cần thiết để hình thành thị trường tín chỉ carbon có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nhiệm vụ của từng bộ, ngành; khó khăn, vướng mắc; từ đó "đưa ra lộ trình triển khai đồng bộ sau khi Đề án được ban hành".

Ban soạn thảo Đề án cần bổ sung, hoàn thiện, phân tích kỹ lưỡng, toàn diện tình hình thế giới, khu vực và trong nước; làm rõ sự cần thiết của thị trường carbon, bảo đảm chủ động trong thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, theo kịp với các tiêu chuẩn kỹ thuật mới liên quan đến khí thải áp dụng cho hàng hóa.

Việc vận hành thị trường carbon phải theo lộ trình, dưới sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với năng lực, mức độ phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế, bảo đảm lợi ích quốc gia. "Liên doanh, liên kết để học hỏi, hợp tác là cần thiết nhưng phải chủ động", Phó Thủ tướng nói.

Mục tiêu của Đề án là thực hiện cam kết với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực chuyển đổi xanh cho các ngành, lĩnh vực kinh tế.

Nhấn mạnh tiêu chí "bài bản, đồng bộ, chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên", Phó Thủ tướng nói, trên cơ sở Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp; hướng dẫn bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức tư vấn về công thức tính toán, đo đạc, thống kê báo cáo, thẩm định… hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon. Từ đó, các bộ, ngành cụ thể hóa thành quy định kỹ thuật để giám sát hạn ngạch phát thải cũng như kế hoạch giảm phát thải trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

"Từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp phải xác định rõ sản phẩm (nghị định, thông tư, quyết định, kế hoạch, dự án...), thời hạn hoàn thành, phân kỳ thực hiện", Phó Thủ tướng yêu cầu; đồng thời giao Bộ Tài chính sớm nghiên cứu hệ thống thuế carbon tương thích với các nước, theo nguyên tắc đối đẳng./.

Bình Nguyên