Thêm 17 tổ chức hoàn thành đăng ký sử dụng chất được kiểm soát trong bảo vệ tầng ozone

Mới đây, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thông báo tiếp nhận và hoàn thành thêm 17 hồ sơ đăng ký sử dụng chất được kiểm soát trong việc bảo vệ tầng ozone của các tổ chức có liên quan đáp ứng yêu cầu, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
30-1657514568-bao-ve-tang-ozone-1730173708.jpg
 

Triển khai Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/ 01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiếp nhận thêm 17 hồ sơ đăng ký sử dụng chất được kiểm soát trong việc bảo vệ tầng ozone của các tổ chức có liên quan đáp ứng yêu cầu, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, tính từ ngày 30/5/2024 đến 12/7/2024.

Theo quy định của khoản 3 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký sử dụng chất được kiểm soát trong bảo vệ tầng ozone: Đơn đăng ký sử dụng các chất được kiểm soát theo Mẫu số 01 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định. Văn bản chứng minh tư cách pháp nhân của tổ chức đăng ký theo quy định pháp luật: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của tổ chức đăng ký.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức đăng ký về việc chấp nhận hồ sơ hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký là không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo về việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

ozon1-1730173830.jpg
Danh sách 17 tổ chức hoàn thành đăng ký sử dụng chất được kiểm soát (đợt 5).

Các chất được kiểm soát bảo vệ tầng ozone theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 06/2022/NĐ-CP bao gồm: Bromochloromethane; Carbon tetrachloride (gọi tắt là CTC); Chlorofluorocarbon (gọi tắt là CFC); Halon; Hydrobromofluorocarbon (gọi tắt là HBFC);  Hydrochlorofluorocarbon (gọi tắt là HCFC); Methyl bromide; Methyl chloroform

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường các-bon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Nghị định thư Montreal ra đời vào năm 1987 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1989.

ozon2-1730173830.jpg
Danh sách 17 tổ chức hoàn thành đăng ký sử dụng chất được kiểm soát (đợt 5).

Đây là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ozone bằng biện pháp loại bỏ hoạt động sản xuất tạo ra các chất thải làm suy giảm tầng ozone. Đến nay đã có 197 quốc gia thành viên tham gia Nghị định thư Montreal. Ngày 26/01/1994 Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal. Cơ quan đầu mối thực thi Nghị định thư này là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghị định thư Montreal được coi rộng rãi là thỏa thuận bảo vệ môi trường thành công nhất.

Ngày 16/9 hàng năm được chọn làm Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng Ozone. Nghị định thư Montreal nhắm mục tiêu vào 96 hóa chất làm suy giảm tầng ozone trong hàng nghìn ứng dụng trên hơn 240 ngành công nghiệp. Năm 2016 các Quốc gia thành viên thông qua Thỏa thuận Kigali, sẽ có hiệu lực vào năm 2019 và xác định lộ trình cắt giảm sản xuất và tiêu thụ chất Hydrofluorocarbons (HFC) cho đến năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, Điều 2J được bổ sung vào Nghị định thư Montreal. Các chất HFC là các hóa chất làm lạnh cũng góp phần gây biến đổi khí hậu./.

Hương Lan