
Giải quyết vấn đề then chốt trong an toàn thực phẩm nền tảng số
Khi người tiêu dùng ngày càng ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm càng ngày càng được chú trọng.
Trong làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam, các hợp tác xã truyền thống và các công ty công nghệ đã cùng nhau hợp tác, với sự hỗ trợ từ dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) và tư vấn kỹ thuật từ Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC), nhằm giải quyết vấn đề then chốt trong an toàn thực phẩm và xây dựng một nền tảng số cho truy xuất nguồn gốc.
Xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội nổi tiếng với các làng nghề truyền thống làm giò chả. Một trong số đó là Hợp tác xã Chăn nuôi và Giết mổ Hoàng Long ở thôn Chi Lễ, nay đã chuyển mình thành một doanh nghiệp chế biến thực phẩm hiện đại với quy trình khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã, ông Nguyễn Trọng Long, tin tưởng rằng việc đầu tư vào cơ sở vật chất và các biện pháp an toàn sẽ giúp xây dựng niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của hợp tác xã.
“Các doanh nghiệp nhỏ hơn, các hợp tác xã hay chuỗi địa phương sẽ gặp khó khăn nếu thiếu truy xuất nguồn gốc từ chăn nuôi tới giết mổ, chế biến, bảo quản và vận chuyển”, ông Long cho biết.
“Nếu không có truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng không thể tự tin đánh giá chất lượng sản phẩm. Để tạo niềm tin, điều quan trọng là nhà sản xuất phải áp dụng hệ thống truy xuất rõ ràng, chứng minh rằng sản phẩm của họ an toàn”, ông nói thêm.

Hợp tác xã Hoàng Long, với sự hỗ trợ từ dự án SAFEGRO do Chính phủ Canada tài trợ và Trung tâm NBC, đang triển khai ứng dụng iCheck Trace trong toàn bộ quy trình khép kín của mình.
iCheck Trace là nền tảng truy xuất nguồn gốc số tích hợp các công nghệ tiên tiến như blockchain, IoT và mã QR. Nền tảng này cho phép doanh nghiệp truy vết và theo dõi quy trình sản xuất chính xác từ khâu chăn nuôi đến phân phối.
Hoàng Long là một trong hai hợp tác xã chế biến thực phẩm ở Hà Nội đang sử dụng ứng dụng iCheck Trace với sự hỗ trợ của SAFEGRO, cùng với trang trại rau của hợp tác xã Văn Đức tại huyện Gia Lâm.
Ba doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp khác tại miền Nam, là doanh nghiệp Phong Thúy, Hợp tác xã thủy sản Cần Giờ và Hợp tác xã rau Phú Lộc, cũng đang áp dụng hệ thống truy xuất số FANVITY cho sản phẩm của mình, cũng nhờ sự hỗ trợ từ SAFEGRO và NBC.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động đang được bắt đầu triển khai, đầu tiên là kế hoạch xây dựng, nâng cấp chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp, trong đó, có chuỗi thủy sản Cần Giờ với Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai là đơn vị đại diện.
Tham gia Dự án, Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, được tập huấn kiến thức về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP và BAP tại các cơ sở nuôi trồng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch HACCP tại khu chế biến để đảm bảo quá trình sản xuất mang tính bền vững.
Riêng đối với đại diện chuỗi giá trị, Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai được Dự án lựa chọn và sẵn sàng hợp tác trong quá trình triển khai; chủ động sửa chữa và bố trí lại các khu vực sản xuất theo thiết kế do Dự án đề xuất; cử nhân sự phù hợp tham gia các lớp tập huấn, hội thảo và tham quan mô hình sản xuất mà dự án triển khai.
Với tiền đề sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước đây và theo chứng nhận HACCP hiện tại của Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai, đơn vị đã nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu về nuôi trồng hay sản xuất chế biến theo quy quy định để cung cấp sản phẩm an toàn.
Truy suất nguồn gốc thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, phụ trách chính về công nghệ ở hợp tác xã Hoàng Long, trước đây nhân viên hợp tác xã thường thu thập thông tin bằng việc ghi chép thủ công, sau đó chuyển số dữ liệu này lên máy tính.
“Việc ghi chép thủ công thường dẫn tới sai lệch. Có thể hôm nay tôi ghi lại, nhưng ngày mai thì quên hoặc bỏ qua. Trong khi đó, phần mềm có tính năng nhắc nhở người dùng để đảm bảo khâu thu thập không thiếu sót”, ông Khánh nói.
Theo ông, ở hợp tác xã Hoàng Long hệ thống iCheck được áp dụng ngay trong quá trình chăn nuôi, khi lợn được gắn mã định danh trước khi đưa vào giết mổ. Phần mềm sau đó tạo mã QR để nhân viên quét xuyên suốt khi chế biến thịt và đóng gói. Người tiêu dùng sau đó có thể quét mã QR trên bao bì và biết chi tiết nguồn gốc sản phẩm.
Việc sử dụng iCheck Trace nghe có vẻ đơn giản, nhưng cũng như các chương trình chuyển đổi số khác, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc hướng dẫn người lao động và nông dân ứng dụng công nghệ.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc điều hành công ty iCheck, một trong những thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy và thói quen của người sản xuất, đặc biệt là các thành viên hợp tác xã, nhiều người trong đó là lao động lớn tuổi, chưa được phổ cập công nghệ.
“Để vượt qua những thách thức đó, chúng tôi đã triển khai một số giải pháp. Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền để người sản xuất hiểu rõ tầm quan trọng của thay đổi. Thứ hai, đẩy mạnh và kéo dài chương trình đào tạo để hỗ trợ thực tế và lâu dài hơn. Cuối cùng, chúng tôi đang xem xét triển khai các thiết bị IoT như camera thông minh và cảm biến để tự động hóa việc giám sát và đơn giản hóa thu thập dữ liệu phục vụ truy xuất”, ông Chính chia sẻ.

Dự án SAFEGRO đã tạo ra cầu nối giữa các hợp tác xã như Hoàng Long tiếp cận với công nghệ hiện đại như iCheck, nhằm truy xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng.
“Số lượng người tiêu dùng để ý về nguồn gốc đang tăng lên, do đó truy xuất mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Khi sản phẩm có thể truy xuất rõ ràng, người tiêu dùng cảm thấy an tâm và sẵn sàng trả giá cao hơn”, ông Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long chia sẻ thêm.
Các chuyên gia nhận định, Dự án SAFEGRO vừa giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thực thi các quy định, chính sách về an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định.
Đồng thời, Dự án góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của người sản xuất/hộ nông dân, các bên tham gia chuỗi giá trị thông qua cải thiện về vấn đề an toàn thực phẩm; nâng cao vị thế của người tiêu dùng nhằm gia tăng nhu cầu đối với nông sản thực phẩm an toàn và giá cả phải chăng ở Việt Nam;
Hỗ trợ đạt được những tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, đặc biệt phụ nữ tham gia chính vào chuỗi giá trị sản xuất nông lâm thủy sản và đặc biệt là hỗ trợ thay đổi hành vi của người sản xuất, thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu./.
“An toàn thực phẩm vì sự phát triển” được gọi tắt là (SAFEGRO) – là một Dự án do chính phủ Canada viện trợ không hoàn lại 15 triệu đô-la Canada tại Việt Nam. Trong đó, SAFEGRO sẽ thu hút các nhà sản xuất (bao gồm các hộ dân nhỏ) và khu vực tư nhân để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc bền vững.
Dự án nhận định, khi nhận thức về an toàn thực phẩm của đại bộ phận người sản xuất và tiêu dùng được nâng lên, đáp ứng các tiêu chuẩn thì sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại xuất khẩu, đó là đích đến mà Dự án đang hướng tới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) là Cơ quan chủ quản triển khai, với sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, giai đoạn 2020-2025. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường là cơ quan thường trực Dự án. Cơ quan thực hiện dự án là Alinea International phối hợp Đại học Guelph, Canada.
Dự án hướng tới các giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp an toàn với giá cả phải chăng và cạnh tranh của người dân Việt Nam, từ đó giúp cải thiện phúc lợi cho người tiêu dùng; đồng thời, hướng tới việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và tăng nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn tại Việt Nam.
Bắt đầu từ đầu năm 2023 đến nay, Dự án đã triển khai và hoàn thành nhiều hoạt động liên quan đến môi trường chính sách và một số văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp với chuẩn quốc tế.