Thông tin với báo chí, đại điện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số cho biết đã yêu cầu sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu tạm dừng bán hàng tại Việt Nam cho đến khi hoàn thành việc cấp phép.
“Đây là việc do phía Cục chủ động yêu cầu Temu tạm dừng để hoàn thành các thủ tục cấp phép hoạt động”, đại diện Cục Thương mại điện tử cho biết thêm.
Hiện tại, trên ứng dụng được cài vào điện thoại và cả website, thay vì để tiếng Việt như trước, hiện khách hàng Việt chỉ có ba lựa chọn là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.
Trên App Temu, sàn này thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi làm việc với Bộ Công Thương. Hiện, chưa rõ thời điểm Temu hoạt động trở lại.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm đối với người tiêu dùng tại Việt Nam.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo không nên hoang mang nếu đã đặt hàng ở Temu trước đó, bởi nếu quá thời hạn mà chưa giao hàng, sàn Temu phải có nghĩa vụ chuyển trả lại tiền cho người mua.
Trước đó, trong tháng 10/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số đã làm việc với công ty luật được Temu ủy quyền tại Việt Nam. Theo đó, cơ quan này đã yêu cầu Temu khẩn trương hoàn tất các thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương trong tháng 11/2024; Khẩn trương đăng tải Banner thông tin cảnh báo tại trang chủ của website và của ứng dụng với người truy cập Việt Nam về việc website và ứng dụng di động đang trong quá trình thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương, để qua đó, người tiêu dùng nhận biết Temu chưa được Bộ Công Thương cấp phép cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Cơ quan chức năng của Bộ Công Thương cũng yêu cầu Temu rà soát và gỡ bỏ các dịch vụ xúc tiến thương mại vi phạm pháp luật, gỡ bỏ toàn bộ các nội dung liên quan đến trả hoa hồng theo phân cấp đối với dịch vụ tiếp thị marketing theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tuy nhiên, đến hết thời hạn tháng 11/2024, Temu vẫn chưa hoàn thành việc đăng ký cấp phép, do vậy cơ quan chức năng đã yêu cầu Temu phải tạm dừng hoạt động.
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), hiện sàn thương mại điện tử Temu chưa được cấp phép nên chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan với hàng hóa từ sàn này. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử Temu sẽ như các doanh nghiệp khác.
Về cấp phép hoạt động thương mại điện tử, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối với người tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo đó, các nền tảng quốc tế đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử, cụ thể là theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Nếu một nền tảng có ngôn ngữ và tên miền tiếng Việt thì phải thực hiện các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam./.