Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi con vật ưa sống trong bóng tối

Giữa đại ngàn miền tây xứ Nghệ, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bằng tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, ông Tống Văn Chiến đã thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế nhờ khởi nghiệp từ 6 con dúi.

Những năm gần đây, xã miền núi Tam Quang (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) dần khởi sắc nhờ nghề nuôi dúi. Hàng chục hộ nuôi dúi với quy mô khác nhau, từ hàng chục đến hàng trăm con, tạo nguồn thu nhập bền vững.

f6daa605-56e3-4d10-9aec-4dd48859b464-1744360114.jfif
Sau 2 năm khởi nghiệp, gia đình ông Chiến đã thoát nghèo nhờ nuôi dúi.

Gia đình ông Tống Văn Chiến (60 tuổi, trú xóm Bãi Sở, xã Tam Quang) là hộ điển hình trong mô hình nuôi dúi đầu tiên và nhiều nhất với số lượng lên đến hàng trăm con. Chỉ sau 2 năm, kinh tế gia đình ông dần khởi sắc.

Cơ duyên đến với nghề nuôi dúi, ông Chiến kể: "Cách đây 2 năm, trong một dịp ra Thanh Hóa thăm người quen, tôi thấy họ nuôi dúi thành công, đời sống phát triển nên ngõ ý tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Tìm hiểu qua, nhận thấy dúi cũng rất phù hợp với khí hậu địa phương, chăm sóc cũng dễ dàng, ít chi phí nên quyết định hỏi mua giống về nuôi thử nhưng chủ trại không bán. Phải thuyết phục mãi, họ mới bán cho 6 con về nuôi".

ce4a967c-b0b2-45c5-bbff-d6202d7ccda8-1744360114.jfif
Chuồng trại nuôi dúi được làm một cách đơn giản, yên tĩnh, phù hợp với tập tính của dúi.

Có con giống cùng một số kinh nghiệm học hỏi được trong chuyến đi ngắn ngủi, ông bắt đầu xây dựng chuồng nuôi dúi bằng những viên gạch ốp lát cũ, chia thành nhiều ô. Mỗi ô như vậy khoảng 60x60cm, cao khoảng 40cm, đủ kín đáo cho dúi sinh sống, dễ dọn vệ sinh và không chiếm nhiều diện tích. Chuồng nuôi được đặt ở nơi yên tĩnh, mát mẻ, đúng với tập tính ưa bóng tối của dúi.

Thức ăn cho dúi là thân tre, thân mía, ngô, thân cây cỏ voi… đều có ở quanh nhà nên rất dễ tìm. Hàng ngày ông Chiến thường tìm những thân cây đủ độ già và tươi về chặt cho dúi ăn. Cũng theo ông Chiến, không nên cho dúi ăn cây khô vì không có dưỡng chất lại ảnh hưởng đến tiêu hoá.

91f08388-34c4-457d-a31a-88ef205815a9-1744360115.jfif
Dúi giống được bán với giá 750.000- 800.000 đồng/ kg, dúi thương phẩm là 350.000-380.000 đồng/kg.

“Với tôi, nuôi dúi rất nhàn. Bình quân mỗi ngày, tôi chỉ cần dành khoảng 2 giờ để chăm sóc đàn dúi. Khoảng 3 đến 4 ngày mới vệ sinh chuồng trại 1 lần.

Việc chăm sóc dúi trong quá trình sinh trưởng, phát triển cũng rất đơn giản, chỉ cần chú ý quan sát, nắm bắt được tập tính của loài dúi là nó có thể sinh trưởng tốt. Loài dúi thích bóng tối, sự yên tĩnh. Đặc biệt, thời điểm con dúi ghép đôi, sinh sản phải đảm bảo sự yên tĩnh. Quá trình dúi sinh sản cần bổ sung thêm thức ăn dinh dưỡng như ngô, mía để đảm bảo dúi phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt”, ông Chiến chia sẻ thêm.

Từ 6 cá thể ban đầu, chỉ sau hơn một năm, đàn dúi của gia đình ông Chiến đã phát triển thành hàng trăm con. Hiện ông đã sở hữu khoảng 130 con, thuộc 3 giống chính là dúi mốc, dúi bản địa và dúi má đào.

d06a6f17-20a9-42cd-8650-433bc5e514f5-1744360115.jfif
Thức ăn cho dúi là thân tre, thân mía, ngô, thân cây cỏ voi… đều có ở quanh nhà nên rất dễ tìm.

Giá bán dúi giống trên thị trường hiện tại giao động 750.000-800.000 đồng/kg, dúi thương phẩm 350.000-380.000 đồng/kg. Ông chiến phấn khởi cho biết, chỉ tính riêng tiền bán giống, mỗi năm ông có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Bà Kha Thị Hiền- Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, mô hình nuôi dúi không chỉ giúp nhiều hộ dân địa phương thoát nghèo mà còn mở ra hướng sản xuất hàng hóa mới, giúp bà con phát triển kinh tế.

"Dúi thương phẩm rất được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là các nhà hàng đặc sản tại TP Vinh, Đô Lương, Thanh Chương... Khách hàng tìm đến tận nơi để đặt mua, đầu ra ổn định.

Chi phí đầu tư thấp, giá bán cao, ổn định là lý do địa phương khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi dúi. Hiện địa phương đang hỗ trợ ông Chiến, một trong những hộ nuôi dúi nhiều nhất xã, hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép theo quy định", bà Hiền chia sẻ.

0c135b40-479d-41b2-bcbf-37a13623ed67-1744360115.jfif
Từ hiệu quả từ mô hình nuôi dúi của ông Chiến, nhiều người dân trên địa bàn cũng như các xã lân cận tìm đến học hỏi kinh nghiệm, mua con giống về để phát triển kinh tế.

Từ hiệu quả mô hình nuôi dúi của gia đình ông Chiến, nhiều bà con trong xã và các xã phụ cận như Tam Thái, Minh Lượng, Yên Tĩnh (huyện Tương Dương) tìm đến học hỏi kinh nghiệm, mua con giống về để phát triển kinh tế. Ông Chiến tích cực hướng dẫn bà con quanh vùng nuôi dúi, nhiệt tình hướng dẫn từ cách làm chuồng, chọn giống đến chăm sóc dúi làm sao cho đạt hiệu quả. 

"Tôi cũng từng là người nghèo khó vươn lên nên hiểu người nghèo cần gì. Thấy mô hình dễ làm, ít rủi ro, không ảnh hưởng đến rừng, lại sinh lời tốt tôi chia sẻ. Bà con ai muốn học, tôi hướng dẫn tận tình. Ai làm được, kinh tế khá lên là tôi vui mừng lắm”, ông Chiến nói./.

Nhã Hoàng