Báo cáo của ESCAP xác định Việt Nam nằm trong nhóm nước dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khí hậu

“Khảo sát kinh tế và xã hội châu Á-Thái Bình Dương” của Liên hợp quốc xác định Việt Nam nằm trong 11 nước dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khí hậu hơn từ góc độ kinh tế vĩ mô. Báo cáo của ESCAP đánh giá một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa sẵn sàng ứng phó với các cú sốc khí hậu và những tác động của quá trình chuyển đổi sang hệ thống xanh.

Ngày 8/4, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) (có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan) đã công bố báo cáo mới của Liên hợp quốc đánh giá mức độ sẵn sàng của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong đó xác định Việt Nam nằm trong 11 nước dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khí hậu hơn từ góc độ kinh tế vĩ mô.

anh-huong-boi-bien-doi-khi-hau-1-1744355149.jpg
Báo cáo của ESCAP xác định Việt Nam nằm trong 11 nước dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khí hậu hơn từ góc độ kinh tế vĩ mô.(Ảnh minh họa)

Ấn bản năm 2025 “Khảo sát kinh tế và xã hội châu Á-Thái Bình Dương” của ESCAP đánh giá mặc dù là động lực thúc đẩy 60% tăng trưởng kinh tế thế giới năm ngoái, một số quốc gia trong khu vực câu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa sẵn sàng ứng phó với các cú sốc khí hậu và những tác động của quá trình chuyển đổi sang hệ thống xanh hơn.

Báo cáo đã nêu bật mối quan hệ phức tạp giữa kinh tế vĩ mô và khí hậu, cũng như những thách thức đang thử thách khả năng phục hồi kinh tế của khu vực - bao gồm tăng trưởng năng suất chậm hơn, rủi ro nợ công cao và căng thẳng thương mại gia tăng.

Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Tổng Thư ký điều hành ESCAP, đánh giá bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng và rủi ro khí hậu ngày càng sâu sắc đã tạo điều kiện bất lợi cho các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ. Do đó, bà kêu gọi mỗi nước trong khu vực có chính sách hợp lý, hiệu quả, cùng với nỗ lực phối hợp của các quốc gia khu vực để bảo vệ triển vọng kinh tế dài hạn và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Vai trò của các chính sách tài khóa cũng rất mạnh mẽ để gia tăng khả năng chống chịu cho các quốc gia.

Một nền tảng thuế vững chắc là điều quan trọng cho các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc huy động nguồn tài chính khí hậu từ nhiều kênh khác nhau, bao gồm cộng đồng - tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và các sáng kiến trong nước, giúp các quốc gia có thể ứng phó hiệu quả với thách thức kép của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. So với các nền kinh tế dễ bị tổn thương khác, Kazakhstan, Mông Cổ và Uzbekistan có điều kiện tài chính tốt hơn, cho phép quốc gia chủ động hỗ trợ ngân sách nhằm ứng phó với các thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.

anh-huong-boi-bien-doi-khi-hau-2-1744355204.jpg
Báo cáo chỉ rõ biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm tăng lạm phát trung bình hơn 2% vào giữa thế kỷ XXI tại một số nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.(Ảnh minh họa)

Đáng chú ý trong số 30 quốc gia được phân tích trong khảo sát, 11 quốc gia được xác định là dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khí hậu hơn theo góc độ kinh tế vĩ mô, bao gồm Afghanistan, Campuchia, Iran, Kazakhstan, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Tajikistan, Uzbekistan và Việt Nam.

Báo cáo cũng chỉ ra sự chênh lệch đáng kể khả năng ứng phó trên khắp khu vực. Trong khi một số quốc gia đã huy động được nguồn tài chính khí hậu đáng kể và áp dụng các chính sách xanh, thì những quốc gia khác lại phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về tài chính, hệ thống tài chính yếu hơn và năng lực quản lý tài chính công hạn chế.

Báo cáo ghi nhận tăng trưởng kinh tế trung bình ở các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mặc dù vẫn tương đối sôi động so với phần còn lại của thế giới song đã chậm lại còn 4,8% vào năm 2024 từ mức 5,2% vào năm 2023 và 5,5% trong 5 năm trước đại dịch COVID-19.

Đối với các quốc gia kém phát triển nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình năm 2024 là 3,7% thấp hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng GDP 7% mỗi năm được đặt ra trong Mục tiêu phát triển bền vững số 8 của Liên hợp quốc.

Để đảm bảo thịnh vượng kinh tế lâu dài, báo cáo nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ chủ động của chính phủ trong việc nâng cấp thành các ngành kinh tế có năng suất cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn.

Khu vực này cũng cần tận dụng sức cạnh tranh mạnh mẽ của mình trong các ngành công nghiệp xanh và chuỗi giá trị như động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện khu vực, phục vụ cho nguyện vọng phát triển của cả các nước phát triển và đang phát triển.

anh-huong-boi-bien-doi-khi-hau-3-1744355140.jpg
Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đa dạng các hoạt động bảo về môi trường, chuyển đổi xanh ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Báo cáo chỉ rõ biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm tăng lạm phát trung bình hơn 2% vào giữa thế kỷ XXI tại một số nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các thách thức đang đe dọa tính bền vững của nền kinh tế khu vực, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng, năng suất kém, nguy cơ nợ công cao và căng thẳng thương mại gia tăng.

Báo cáo của ESCAP đánh giá một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa sẵn sàng ứng phó với các cú sốc khí hậu và những tác động của quá trình chuyển đổi sang hệ thống xanh.

Bên cạnh đó là sự chênh lệch đáng kể về khả năng ứng phó tại khu vực. Trong khi một số quốc gia đã huy động được nguồn tài chính khí hậu đáng kể và áp dụng các chính sách xanh, những quốc gia khác lại phải đối mặt với nhiều thách thức, như hạn chế về tài chính, hệ thống tài chính yếu hơn và năng lực quản lý tài chính công hạn chế./.

Bình Châu