
Hiện thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo giảm thuế đối ứng còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày đã chính thức được xác nhận. Các chuyên gia kinh tế nhận định, dù đây là tuyên bố tạm hoãn áp thuế và có tính thời hạn nhưng vẫn là điều tích cực và “nhẹ nhõm” cho nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra ngày 10/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, quyết định của Mỹ là một bước đi tích cực. Theo bà Hằng, trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước, Việt Nam sẽ cùng Mỹ tiến hành đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm đạt được những giải pháp thỏa đáng hướng đến thương mại công bằng, bền vững và đáp ứng được lợi ích của người dân và doanh nghiệp của hai nước.

Trong ngày 10/4 cũng đã diễn ra Hội thảo kinh tế Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ, việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày là cơ hội tốt, đủ để Việt Nam có thời gian đàm phán thương mại với nước này và làm rõ những vấn đề mà phía Mỹ quan tâm.
Theo ông Chương, khoảng thời gian “trì hoãn chiến lược” này không chỉ mở ra cơ hội đàm phán mà còn giúp Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các kịch bản ứng phó, đánh giá toàn diện tác động kinh tế nếu Mỹ thực sự tiến hành áp thuế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Cũng trong ngày 10/4, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã phát đi thông cáo nhấn mạnh rằng, việc tạm thời hoãn thuế là “bước đi cần thiết”, tạo không gian để hai Chính phủ tiếp tục đối thoại, hướng đến xây dựng một khuôn khổ thương mại ổn định, bền vững và hài hòa lợi ích cho cả hai bên.

AmCham cũng đánh giá cao việc trì hoãn này vì giúp các doanh nghiệp hai nước - cả Mỹ và Việt Nam - có thêm thời gian để chuẩn bị, thích nghi với những thay đổi về chính sách thuế. Đây được xem là một “khoảng đệm chiến lược”, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, đồng thời xây dựng lộ trình thương mại công bằng, cân bằng và dài hạn hơn.
Hiện tại, Việt - Mỹ đã thống nhất khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng gồm nội dung về thuế. Các cấp kỹ thuật của hai bên sẽ trao đổi ngay về thoả thuận này.

Tuy là tin vui, nhưng với bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong những ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ thì vẫn phải chấp nhận một thực tế là rủi ro và thách thức sẽ còn ở phía trước.
Do đó, TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công chuyển động kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, khuyến nghị các doanh nghiệp cần có sự đồng lòng hợp tác với các cơ quan nhà nước; với các ngành hàng, các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng để đạt được sự tin cậy, chia sẻ rủi ro và hài hoà lợi ích.

Đồng tình với ý kiến, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T cho biết, đây là thời gian quý báu để doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thời gian đàm phán với đối tác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, mục tiêu là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, thị trường Halal...
Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn.

Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu “Nông sản Việt” đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đối với thị trường trong nước, Bộ này cho biết sẽ có lộ trình, phương án giải pháp rõ ràng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm có tính thời vụ cao như rau, hoa, quả.
Đối với doanh nghiệp dệt may, theo ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dù Mỹ đã hoãn áp thuế đối ứng 46% trong 90 ngày, nhưng vẫn áp thuế bổ sung 10%. Như vậy, hàng may mặc Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tổng mức thuế khoảng 28% (gồm 18% MFN và 10% bổ sung), gây áp lực lớn lên xuất khẩu.
Ông Cầm nhận định mức thuế này tuy thấp hơn đáng kể so với mức 46% nhưng vẫn khiến sức mua suy giảm, dẫn tới nguy cơ giảm đơn hàng trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng thời gian 90 ngày hoãn thuế để thúc đẩy xuất khẩu nhanh các đơn hàng theo hợp đồng sang Mỹ.
Ông Cầm cũng lưu ý, đây là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp mở rộng thị trường thay thế như Canada hay ASEAN, đồng thời rà soát lại các đối tác tiềm năng chưa khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế về tốc độ sản xuất và khả năng đáp ứng đơn hàng lớn.
