Nhiều giải pháp và chiến lược giảm phát thải khí nhà kính đang được triển khai
Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các chương trình, chiến lược nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 diễn ra từ ngày 01 đến ngày 12/11/2021 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.
Để tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, đảm bảo thực hiện Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia, đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẩn trương ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo NDC, hoàn thành trong quý III/2024.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ các-bon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải theo NDC; đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường các-bon của một số lĩnh vực.
Tại Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ các-bon; quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường các-bon trong nước, trao đổi với quốc tế.
Một trong những chương trình nổi bật là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong đó đề ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên bình diện toàn quốc. Chính phủ cũng khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, như một phần của chiến lược giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Chương trình hành động quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai) khuyến khích các mô hình nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất.
Trước đó, tại một Hội nghị phát triển Nông nghiệp Hữu cơ, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản xuất hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới. Không đứng ngoài cuộc, ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất... tiến tới đưa nông sản nước ta chiếm lĩnh những thị trường lớn, giàu tiềm năng.
Trong bối cảnh đó, nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành, như: Nghị quyết số 19-NQ/TW/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn".
Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Thông qua các chính sách cụ thể trên sẽ giúp nông dân Việt Nam từng bước tiếp cận nông nghiệp hữu cơ, nhanh chóng chuyển đổi các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo xu thế của Việt Nam và thế giới.
HTX Gen Xanh: Giảm phát thải khí nhà kính từ quy trình sản xuất
Các phương pháp canh tác truyền thống trong nông nghiệp, như sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Việc sản xuất phân bón hóa học và sử dụng thuốc trừ sâu không chỉ làm ô nhiễm đất đai và nguồn nước mà còn phát tán khí nitrous oxide (N2O), một loại khí nhà kính mạnh.
Trái ngược với mô hình nông nghiệp thông thường, HTX Gen Xanh có địa chỉ tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, và phân bón tổng hợp. Các loại phân bón hữu cơ từ chất thải động vật và cây trồng giúp cải tạo đất tự nhiên, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà không phát sinh khí nhà kính. Mô hình này không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn giảm thiểu phát thải khí N2O và CO2 từ quá trình canh tác.
Chia sẻ với phóng viên về mô hình, chị Duyên Giám đốc HTX Gen Xanh, cho biết: “Chúng tôi sử dụng các biện pháp canh tác tự nhiên để duy trì chất lượng đất và giảm thiểu sự phát thải. Việc giảm sử dụng phân bón hóa học giúp đất hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả hơn, từ đó giảm lượng CO2 trong khí quyển”.
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn có khả năng hấp thụ carbon từ bầu khí quyển. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nông nghiệp hữu cơ có thể tăng cường khả năng lưu trữ carbon trong đất nhờ vào việc cải thiện cấu trúc đất, tăng độ màu mỡ và giữ nước tốt hơn.
Mô hình canh tác hữu cơ tại HTX Gen Xanh giúp cải tạo đất thông qua việc sử dụng phân hữu cơ và các phương pháp canh tác tự nhiên. Điều này không chỉ làm giảm lượng khí CO2 thải ra từ đất mà còn góp phần tái tạo một hệ sinh thái lành mạnh, bền vững. Việc duy trì độ ẩm và độ màu mỡ của đất còn giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh mà không cần sử dụng phân bón hóa học.
HTX Gen Xanh đang dần tiến tới ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm tối ưu hóa quá trình canh tác và giảm thiểu phát thải. Các hệ thống giám sát môi trường giúp điều chỉnh lượng nước và phân bón một cách chính xác, giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ tài nguyên. Đồng thời, việc sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước và các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh tự nhiên giúp duy trì sự ổn định của hệ sinh thái mà không làm tăng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiện để triển khai được rất cần có những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ chế chính sách giành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, xanh sạch và bền vững chị Duyên cho biết thêm.
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, việc phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ như HTX Gen Xanh là một giải pháp quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và bền vững cho tương lai.
Với sự cam kết giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, HTX Gen Xanh đang chứng minh rằng nông nghiệp hữu cơ không chỉ là một phương pháp canh tác bền vững mà còn là một chiến lược quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các chính sách của Chính phủ như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính, đang tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ, từ đó góp phần đưa nước ta đạt được các mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững trong tương lai./.