Ứng biến chính sách thuế, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần thay đổi chiến lược sản xuất và thị trường

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi thực thi sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản các chuyên gia cho rằng cần chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất và đa dạng hóa thị trường.
doanh-nghiep-xuat-khau-nong-san-2-1743990945.jpg
Mỹ vừa áp thuế lên tới 46% đối với Việt Nam dựa trên thặng dư thương mại giữa hai nước. Tác động của mức thuế suất này khiến các ngành xuất khẩu chủ lực sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.(Ảnh minh họa)

Kỳ vọng có được tiếng nói chung và cân bằng lợi ích với mức thuế hợp lý

Mỹ vừa áp thuế lên tới 46% đối với Việt Nam dựa trên thặng dư thương mại giữa hai nước. Tác động của mức thuế suất này đối với hàng hóa Việt Nam sẽ không đồng đều giữa các ngành, nhưng điều chắc chắn là ngành xuất khẩu chủ lực sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất trong đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng chịu tác động mạnh.

Trao đổi về vấn đề chính sách thuế mới của Mỹ, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hiệp hội điều tỉnh Bình Phước, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Long Sơn cho biết: Trong số hơn 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành điều năm 2024, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ.

Ông Sơn cho rằng, việc thay đổi thị trường khác rõ ràng là rất khó với xuất khẩu điều cũng như một số ngành hàng hàng khác. Bởi Mỹ là thị trường cao cấp nhưng không mấy khắt khe, đồng thời nằm trong kế hoạch mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ của Việt Nam, cùng với Trung Quốc, EU, Trung Đông, Nam Mỹ, Úc...

Cũng theo ông Sơn, cần thiết nhất là tiếp tục đối thoại, Việt Nam có thể xem xét giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để thể hiện thiện chí. Việt Nam cũng cần thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết mua hàng hóa Mỹ đã được ký kết trước đây. Đồng thời tích cực đàm phán để ký kết một Hiệp định Thương mại Tự do song phương mới, đáp ứng yêu cầu của cả hai bên.

"Trước đây họ hay phàn nàn là mình cấp visa cho người Mỹ làm ăn ở Việt Nam thời gian rất ngắn, khó khăn, thì bây giờ có thể xem xét mở rộng thời hạn cấp visa cho người Mỹ vào Việt Nam, tạo điều kiện cho họ đầu tư ở Việt Nam. Điều này ở tầm vĩ mô của Chính phủ, thì cố gắng làm sao cụ thể từng mặt hàng của Mỹ để giảm thuế cho họ" - ông Sơn cho biết.

doanh-nghiep-xuat-khau-nong-san-3-1743990999.jpg
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng những ngày tới, Việt Nam sẽ đàm phán, tìm được tiếng nói chung và cân bằng lợi ích của hai bên với mức thuế hợp lý, thay vì con số 46%.(Ảnh minh họa)

Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận giải pháp sau khi Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Bộ Công Thương vừa có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam vào ngày 9/4 tới đây.

Mức thuế tối huệ quốc (MFN) trung bình mà Việt Nam áp đối với hàng hóa nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Trong đó, Mỹ có 13 nhóm hàng có lợi thế được hưởng lợi từ thuế này.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng những ngày tới, Việt Nam sẽ đàm phán, tìm được tiếng nói chung và cân bằng lợi ích của hai bên với mức thuế hợp lý, thay vì con số 46%. Bởi việc đánh thuế này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam hay những quốc gia trong danh sách bị đánh thuế đối ứng, mà còn ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng Mỹ, doanh nghiệp và chuỗi giá trị.

Chế biến nông sản chuyên sâu mở rộng thị trường xuất khẩu mới

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc đòi hỏi công bằng trong thương mại là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên ông cũng lo ngại mức thuế cao của Mỹ đưa ra có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của Việt Nam vào năm 2025.

Giải pháp được Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đề xuất là mở rộng thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ, để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tác động của thuế suất cao. Qua đó khuyến nghị điều chỉnh quy trình sản xuất và xuất khẩu để chứng minh sản phẩm Việt Nam không liên quan đến Trung Quốc, nhằm thương lượng giảm thuế với Mỹ.

Để ứng phó với tác động tiêu cực đến việc làm cho công nhân lao động, việc tăng cường tiêu dùng nội địa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu khác cũng được đề xuất. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất.

"Việt Nam thì cứ thương lượng, nhưng việc Mỹ điều chỉnh thuế rõ ràng là rất khó khăn. Vì vậy một mặt mở rộng, tìm kiếm thêm thị trường, trong khi tiếp tục kiên trì đàm phán với Mỹ để tìm một giải pháp thích hợp"- Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, hiện nay phần lớn sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là xuất khẩu tươi, sơ chế nên xuất khẩu sản lượng nhiều, nhưng giá trị không cao và nhiều rủi ro khi thị trường biến động hoặc thay đổi chính sách về thuế.

Chính vì vậy, cần chính sách thúc đẩy DN đầu tư chế biến nông sản chuyên sâu để xuất khẩu. Hiện nay, cả nước có 51.000 DN liên quan đến ngành chế biến, trong đó chỉ có 7.500 cơ sở, DN chế biến theo quy mô công nghiệp, và trong ngành rau, quả chỉ 150 DN chế biến có công nghệ cao.

doanh-nghiep-xuat-khau-nong-san-1-1743990923.jpg
Cần có nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư khoa học công nghệ để chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu và quy họach vùng trồng nguyên liệu, gắn với nhà máy chế biến, giảm chi phí sản xuất, logistics… để nâng cao sức cạnh tranh. (Ảnh minh họa)

Ông Mười kiến nghị, cần có nhiều chính sách hỗ  trợ DN đầu tư khoa học công nghệ để chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu và quy họach vùng trồng nguyên liệu, gắn với nhà máy chế biến, giảm chi phí sản xuất, logistics… để nâng cao sức cạnh tranh. Nhất là khi hiện nay, nhiều ngành hàng nhà máy đặt một nơi, vùng nguyên liệu ở một nơi khác, như nguyên liệu trồng ở Đắc Nông nhưng nhà máy ở TP.HCM, Long An và Bình Dương…

“Hiện nay chi phí vận chuyển vận chuyển rất cao, nên các DN phải quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhà máy sản xuất, vì có những vùng nguyên liệu rất lớn nhưng không có nhà máy đặt ngay tại đó, khiến DN rất bị động nguyên liệu trong sản xuất. Đây cũng là dịp chúng ta thúc đẩy quy hoạch lại vùng nguyên liệu và nhà máy để giảm chi phí vận chuyển”, ông Mười nêu quan điểm.

Về giải pháp lâu dài, nhiều chuyên gia và DN cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này không dễ và không thể làm trong một sớm một chiều, cần nguồn lực dài hơi để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh khắt khe của thị trường khó tính khác. Việc này cần có các chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trong đổi mới công nghệ và xúc tiến thương mại./.

Bình Nguyên