Đắk Lắk tập trung phát triển nguồn tài nguyên dữ liệu số

Bước vào năm 2025, Đắk Lắk xác định đây là thời điểm quan trọng để tập trung phát triển dữ liệu số, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số lan tỏa sâu rộng hơn nữa.

Trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS), dữ liệu số (DLS) đang được xem là “nguồn tài nguyên mới” quý giá, đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển DLS một cách bài bản và đồng bộ. 

huong-dan-nguoi-dan-huyen-krong-pac-cap-nhat-du-lieu-so-ca-nhan-1743946114.jpeg
Hướng dẫn người dân huyện Krông Pắc cập nhật dữ liệu số cá nhân.

Một trong những bước đi chiến lược là việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, cho phép quản lý tập trung dữ liệu của các sở, ban, ngành trên cùng một nền tảng. Hệ thống này không chỉ tối ưu hóa việc quản lý và chia sẻ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước, mà còn mở rộng khả năng phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư qua các ứng dụng tích hợp thông minh, dễ tiếp cận.

Chính nhờ nền tảng dữ liệu được kết nối và đồng bộ hóa này, Đắk Lắk đang từng bước hiện thực hóa mô hình chính quyền điện tử. Đây là tiền đề vững chắc cho mục tiêu chuyển mình mạnh mẽ sang chính quyền số. Nó góp phần phục vụ hiệu quả hơn cho người dân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương trong mọi lĩnh vực.

chuyen-doi-so-dem-den-su-thuan-loi-trong-cai-cach-hanh-chinh-de-phuc-vu-nguoi-dan-ngay-cang-tot-hon-1744188522.jpg
Chuyển đổi số đem đến sự thuận lợi trong cải cách hành chính để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Cùng với nỗ lực xây dựng chính quyền số, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức đưa vào vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tính đến nay, địa phương đã kết nối toàn bộ 17/17 dịch vụ dữ liệu trên nền tảng này, trong đó 11 dịch vụ đang phát sinh dữ liệu thường xuyên, tạo nên một mạng lưới chia sẻ thông tin liên thông, xuyên suốt. Các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực xây dựng, kết nối và tích hợp dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý và điều hành.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, những bước chuyển mình của CĐS của Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực. CSDL ngành thủy sản, phần mềm quản lý cà phê và công cụ đánh giá tiêu chí nông thôn mới đã từng bước được số hóa, tạo tiền đề cho việc theo dõi, phân tích và dự báo chính xác. Trong khi đó, hệ thống thông tin đất đai của tỉnh đang được vận hành tại 15 đơn vị với 13 trong số đó đã hoàn tất chuẩn hóa, tích hợp dữ liệu trên hệ thống quản lý đất đai trực tuyến.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, tỉnh chú trọng xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về trẻ em, hộ nghèo, cận nghèo, lao động và việc làm. Dữ liệu được thu thập thường xuyên tại cấp huyện, kết nối, chia sẻ thông suốt qua nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia. Nhờ đó, việc hỗ trợ người dân ngày càng kịp thời, chính xác, minh bạch, góp phần bảo đảm an sinh xã hội một cách toàn diện và hiệu quả hơn.

chia-se-du-lieu-so-phuc-vu-giai-quyet-cac-thu-tuc-hanh-chinh-cho-nguoi-dan-tai-trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong-tinh-dak-lak-1743946039.jpeg
Chia sẻ dữ liệu số phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk.

Tiến trình CĐS tại Đắk Lắk đã bắt đầu triển khai mạnh mẽ tại các cơ quan nhà nước và các ngành, lĩnh vực trên địa bàn, dù vẫn chưa đồng bộ và hoàn thiện. Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đánh giá, các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành đã được xây dựng, kết nối và chia sẻ với CSDL quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp trong môi trường điện tử.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, chia sẻ: "Mặc dù các ngành, địa phương đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong phát triển DLS, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Cần tập trung hơn nữa vào kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là xây dựng CSDL chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước, điều này hiện mới chỉ được triển khai ở một số ít cơ quan".

Hiện nay, việc số hóa, xây dựng CSDL chuyên ngành và hoàn thiện hệ thống DLS trở thành nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh Đắk Lắk đã xác định phát triển DLS là trọng tâm, là mũi nhọn thúc đẩy kinh tế số và là động lực chính cho CĐS trong giai đoạn 2025 và những năm tiếp theo.

trung-tam-dieu-hanh-giam-sat-do-thi-thong-minh-tinh-dak-lak-1743945976.jpg
Trung tâm Điều hành, giám sát đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk.

Mục tiêu của tỉnh là hoàn thành bộ dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước và các lĩnh vực khác. Mỗi sở, ban, ngành sẽ xây dựng CSDL chuyên ngành, kết nối với Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh và dữ liệu dùng chung. 

Trong thời gian tới, Đắk Lắk phấn đấu 100% CSDL dùng chung, chuyên ngành và CSDL trong Danh mục dữ liệu mở được số hóa, cập nhật, chia sẻ với Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và Trung ương. Các cơ quan nhà nước cam kết mở dữ liệu để hỗ trợ phát triển AI, thúc đẩy kinh tế số và xã hội số./.

Kiến Giang