Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ “mỏ vàng” dược liệu

Đại đa số cây dược liệu đều sinh trưởng trong rừng phòng hộ, dưới tán rừng - là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Do vậy, phát triển ngành dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với địa bàn này.
a4-1709823441.jpg
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện 18 dự án vùng trồng dược liệu quý, tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án. (Ảnh minh họa)

“Mỏ vàng” ở vùng “lõi nghèo”

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025, vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm 3.434 xã thuộc địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 1.551 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), 210 xã khu vực II và 1.673 xã khu vực I. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của 53 DTTS, là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn - “lõi nghèo” của cả nước.

Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH ngày 19/01/2023 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 6 vùng kinh tế của cả nước thì những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo (tỷ lệ nghèo đa chiều) còn rất cao. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều bình quân chung cả nước là 7,52% (tương ứng 1.972.767 hộ) thì ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ này là 21,92% (tương ứng 701.461 hộ), vùng Tây Nguyên là 15,39% (tương ứng 236.766 hộ),… Còn ở các vùng có ít đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo thấp dưới mức bình quân chung cả nước (Đông Nam bộ là 0,34%, Đồng bằng sông Hồng là 2,45%,…).

Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta xác định, giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Tuy gặp không ít khó khăn nhưng đây là nhiệm vụ rất khả thi bởi ngoài sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thì vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, với tiềm năng về nông - lâm nghiệp, một trong những “mỏ vàng” ở địa bàn này là cây dược liệu, “đầu vào” quan trọng của ngành y dược học cổ truyền.

Tại Chương trình “Vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi” diễn ra ngày 26/9/2023, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã chia sẻ: "Nói đến y dược học cổ truyền là nói đến dược liệu, nguyên liệu để làm thuốc. Nhưng ngày nay, dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân mà còn là nguyên liệu cho ngành hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế".

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Thống kê của Viện Dược liệu Trung ương cho thấy, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

a3-1709823843.jpg
Miền núi có tiềm năng phát triển vùng trồng dược liệu. (Trong ảnh: Trồng đảng sâm xen canh với bắp nếp giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Tây Giang có thêm nguồn thu nhập)

Gỡ "nút thắt" để phát triển

Theo PGS.TS Trần Văn Ơn - nguyên Trưởng bộ môn Thực vật (Trường Đại học Dược Hà Nội), Cố vấn Chương trình OCOP Việt Nam, với thị trường trong nước, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam được ước khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả. Do vậy, phát triển ngành dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Diễn đàn “Kinh tế Dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của kinh tế tập thể, hợp tác xã” được tổ chức ngày 25/7/2023, TS. Trần Ngọc Minh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho rằng, mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng việc phát triển ngành dược liệu của nước ta vẫn đang trong giai đoạn non trẻ và còn nhiều khó khăn. Đầu tiên là thách thức về vùng trồng, việc trồng dược liệu diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác ở cấp hộ gia đình. Thứ hai là thách thức về chế biến, việc áp dụng các công nghệ hiện đại còn khá khiêm tốn. Thứ ba là thách thức về tiếp thị, thông tin thị trường hiếm khi có sẵn. Chưa có một nghiên cứu thị trường chính thức nào cho cây dược liệu, TS. Trần Ngọc Minh cho biết.

a2-1709824346.jpg
Cây dược liệu giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững

Xác định được tầm quan trọng về vai trò của dược liệu, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu đưa ngành dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, Quy hoạch tổng thể đã định hướng phát triển 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.

“Mỏ vàng” dược liệu được kỳ vọng sẽ được khai thác sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1719/QDD-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025. Chương trình mục tiêu quốc gia mở ra hướng phát triển dược liệu vùng đồng bào DTTS và miền núi, không chỉ phát triển, bảo tồn cây dược liệu mà còn giúp phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại địa bàn này./.

Sỹ Hào