
Thuế đối ứng nếu áp dụng sẽ tạo tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu
Bộ Công Thương năm 2025, đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỉ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Tuy nhiên, việc Mỹ công bố sắc thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (dù đã lui thời gian áp dụng 90 ngày) được coi là biến cố lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu này. Bộ Công Thương đánh giá, trong trường hợp Việt Nam và Mỹ không tìm được giải pháp tích cực, việc áp thuế đối ứng 46% sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường Mỹ đang chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu, nhưng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu.
“Trong trường hợp Việt Nam và Mỹ không tìm được giải pháp tích cực, việc áp thuế đối ứng 46% sẽ tạo tác động nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đã được Bộ Công Thương dự báo trước và có sự chuẩn bị. Bộ Công Thương cũng đã có những kiến nghị kế hoạch hành động cụ thể với Chính phủ và khuyến cáo cho doanh nghiệp để có các bước đi cần thiết một khi vấn đề xảy ra”, ông Linh thông tin.

Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng, phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có, đó là 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào nhiều thị trường truyền thống có thể giảm sút, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, cần phải tăng cường xúc tiến thương mại sang các thị trường mới thay thế.
"Hàng năm, Bộ Công Thương xây dựng Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia. Cục Xúc tiến thương mại đang báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét đẩy mạnh chương trình này để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm nay chuyển thời điểm về giữa năm, vào khoảng tháng 6, tháng 7 và có thể có cả chương trình dịp cuối năm như thường lệ. Bộ Công Thương xác định thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam cả trong nước lẫn xuất khẩu", ông Tài cho biết.
Ưu tiên tập trung các giải pháp ứng phó, linh hoạt khơi thông thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, trước tác động của thuế đối ứng 46% từ Mỹ, ưu tiên tập trung lúc này là bàn thảo giải pháp để ứng phó. Do đó các mục tiêu tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư... sẽ chưa được bàn đến và chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
“Chưa vội gì phải bàn câu chuyện điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, chúng ta phải vượt qua thách thức, tìm ra cơ hội mới. Mọi thứ đều phải bình tĩnh để xem xét toàn diện", lãnh đạo Bộ Công thương nói và nhấn mạnh "cần hết sức bình tĩnh, nếu đánh giá về tình hình theo hướng tiêu cực sẽ chưa trọn vẹn", ông Tân nói.

Phân tích góc độ tích cực, ông Tân cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội liên quan tới câu chuyện độc lập, tự chủ nền kinh tế trong quá trình hội nhập.
Trước động thái tăng thuế đối ứng của Mỹ, Bộ Công Thương hiện đang liên hệ ngoại giao qua các kênh khác nhau, cố gắng thu xếp để có cuộc điện đàm giữa bộ trưởng với Trưởng đại diện Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR). Để chuẩn bị cho cuộc điện đàm nay hai bên cần phải sẵn sàng chuẩn bị rất nhiều nội dung. Đó là những nội dung phía Mỹ quan tâm, những vấn đề thắc mắc của Mỹ cần phải được giải thích rõ hơn, cụ thể hơn nhất là các vấn đề về thuế, các chính sách xuất nhập khẩu… cũng như nội dung khác liên quan.
Tại hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 9/4 nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng đề cập tới các giải pháp liên quan tới chính sách thuế mới của Mỹ.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, trước mắt, cùng với việc tiếp tục tạo ra cơ chế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng nội lực và năng lực cạnh tranh, Chính phủ cần chủ động thúc đẩy đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam; đề nghị Mỹ bổ sung thêm các sản phẩm chưa tính đến trong công thức tính thuế đối ứng, như: sản phẩm trí tuệ, sản phẩm số, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giải trí và dịch vụ học tập, du lịch, y tế...; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Mỹ; tăng khả năng cung cấp các mặt hàng mà Mỹ cần và thúc đẩy tăng nhập khẩu từ Mỹ để sớm cải thiện cán cân thương mại.
Cùng với việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm của Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), ô tô và phê duyệt dịch vụ starlink…, Việt Nam cũng nên cân nhắc, sớm triển khai ưu tiên nhập khẩu từ Mỹ một số sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nông sản và thực phẩm (thịt bò và thịt heo; trái cây tươi và sản phẩm sữa); sản phẩm công nghệ và phần mềm (hệ điều hành, bộ ứng dụng văn phòng và công cụ phát triển phần mềm giúp nâng cao chất lượng và hỗ trợ chuyển đổi số tại Việt Nam); dịch vụ lưu trữ đám mây từ các công ty lớn như Amazon Web Services (AWS), Google Cloud, Microsoft Azure cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến; dịch vụ quảng cáo trực tuyến trên Google, YouTube và Facebook; sản phẩm công nghiệp và thiết bị y tế, dược phẩm; hóa chất công nghiệp chất lượng cao; dịch vụ tài chính, bảo hiểm và các sản phẩm giáo dục và giải trí…
Trong nước, cần tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững; xanh; số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tập trung vào thị trường tiềm năng..., phấn đấu giữ mục tiêu tăng trưởng.
Cộng đồng doanh nghiệp cần bình tĩnh, chủ động nắm tình hình, đánh giá tác động và xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt; sớm làm quen và chuyển từ trạng thái "thuế nhập khẩu nguyên liệu cao" sang "thuế nhập khẩu thành phẩm cao"; vừa tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, vừa chuyển đổi mạnh sang sản xuất FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm) để các khách hàng cùng chia sẻ về thuế, đẩy mạnh việc khai thác các thị trường tiềm năng thông qua FTA và đa dạng hóa thị trường để tăng cường xuất khẩu…

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính bổ sung, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, cần điều chỉnh ngay dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 căn cứ vào tác động của sát nhập tinh giản bộ máy và chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại đang dâng cao. Điều chỉnh định hướng chính sách tiền tệ trên cơ sở dự báo biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái, đầu tư cả trong và ngoài nước đến cuối năm 2025 khi tình hình đang biến động rất nhanh, mạnh và nhiều yếu tố bất ổn khó lường.
Bên cạnh đó, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, cần xây dựng phương án thay thế mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu bằng mô hình cân bằng giữa xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, không chỉ thay đổi chính sách đối với sản xuất kinh doanh, đầu tư, tín dụng, thuế, đất đai mà cả chính sách thu nhập, tiền lương, tiêu dùng cũng như an sinh xã hội./.