Bài nghiên cứu khoa học

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến gỗ

Bài nghiên cứu khoa học "Phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến gỗ" do PGS.TS Vũ Huy Đại, Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện.

Kinh tế tuần hoàn là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

a2-1709651158.jpg
Sơ đồ tuần hoàn chuỗi giá trị sản xuất chế biến gỗ.

Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất chế biến gỗ

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phát triển nhanh và ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu bền vững. Sự tăng trưởng đó thể hiện rõ nét nhất trên quy mô các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ. Cụ thể, nếu như cách đây 5 năm, cả nước chỉ có 3.200 doanh nghiệp, thì đến nay đã có khoảng 5.840 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, chế biến đồ gỗ (không tính hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ). Toàn ngành đã thu hút hàng vạn công nhân và hàng triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) thì ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành có tiềm năng phát triển, có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, thị trường rộng lớn. Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam nhiều năm qua đều tăng trưởng đạt từ 12-17%. Năm 2022 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ở khâu xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt 16,92 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021.

Năm 2020, cả nước có trên 340 làng nghề, 5.840 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, tăng 73% so với năm 2010; trong đó có 4.674 doanh nghiệp chế biến gỗ; 349 doanh nghiệp sản xuất ván nhân tạo (146 doanh nghiệp ván ghép thanh; 132 doanh nghiệp ván lạng, ván bóc; 99 doanh nghiệp ván dán; 45 doanh nghiệp ván dăm và 17 doanh nghiệp ván MDF); 55 doanh nghiệp pallet; 25 doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ, 188 doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ và 459 doanh nghiệp chế biến lâm sản ngoài gỗ. Có 26 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào chế biến gỗ ở Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc,…

Các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, có hệ thống dây chuyền sản xuất tự động, sản xuất được các chi tiết, sản phẩm phức tạp, tiết kiệm nguyên liệu.

Trong những năm gần đây và trong tương lai, gỗ và sản phẩm gỗ (hầu như tất cả các sản phẩm gia dụng thiết yếu, ly, chén dụng cụ nhà ăn, túi xách, chứa đồ, bao bì, Palet… đều làm bằng gỗ, giấy) là xu hướng áp đảo của thời đại khi mà nguyên liệu hoá thạch ngày cang khan hiếm và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ sử dụng nguyên liệu chính là gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Thực hành tốt quản lý rừng bền vững và sản xuất chế biến gỗ trong ngành Lâm nghiệp mang lại nhiều cơ hội để thúc đẩy các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đồng thời góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và theo đuổi các mục tiêu xã hội rộng lớn hơn, bao gồm những nội dung trong Chương trình nghị sự quốc tế đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững.

a1-1709650785.png
Mối quan hệ giữa quản lý chất thải với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. (Nguồn: Idiano D’Adamo, 2019)

Tái sử dụng phụ phẩm chế biến gỗ sản xuất viên nén

Viên nén gỗ, chủ yếu được làm từ phụ phẩm của ngành lâm nghiệp như cành, ngọn, bìa bắp, vỏ bào, mùn cưa, gỗ vụn. Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tạo giá trị gia tăng quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam có trên 300 cơ sở sản xuất viên nén gỗ, nhưng để tận dụng nguồn nguyên liệu, khoảng 70-80% tập trung ở các tỉnh phía Nam và Nam miền Trung, nơi có các trung tâm chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Viên nén trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 4 trong ngành hàng gỗ. Năm 2022, viên nén đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu của gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ dán), dăm gỗ.

Là sản phẩm nằm trong chuỗi chế biến gỗ rừng trồng, nên viên nén có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao giá trị cho trồng rừng ở Việt Nam. Giá viên nén gỗ hiện nay đã tăng gần gấp đôi lên 200 euro một tấn tại Việt Nam, mức tăng rất cao so với dưới 100 USD/tấn hồi đầu năm. Các nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén trong tương lai. Tại Việt Nam, viên nén cũng trở thành một mặt hàng quan trọng giúp ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu COP 26 của Việt Nam.

a3-1709651101.png
Sản phẩm viên nén năng lượng từ phụ phẩm nông nghiệp.

Đặc điểm của viên nén được xác định là độ ẩm, hàm lượng tro, quá trình đốt cháy suất và nhiệt trị. Kết quả cho thấy cây lạc viên nén từ nguyên liệu vỏ hạt lạc đạt nhiệt độ cao hơn lõi ngô. Nhiệt độ thu được của 100g mỗi loại nhiên liệu là 7560C và 6000C đối với hạt nghiền và viên lõi ngô tương ứng. Kết quả kiểm tra giá trị nhiệt lượng ròng cho lõi ngô được tìm thấy là 13,8MJ/kg trong khi của viên vỏ lạc là 13,9MJ/kg. Những kết quả này cho thấy rằng các viên có khả năng tạo ra nhiệt đó là đủ để sử dụng trong gia đình nếu các thiết bị thích hợp được đã sử dụng.

Từ việc tái sử dụng phụ phẩm chế biến gỗ sản xuất viên nén, có thể khẳng định, phát triển công nghiệp chế biến gỗ là giải pháp tái tạo tuần hoàn bền vững nhất đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Ưu điểm của sản phẩm ngành công nghiệp chế biến gỗ là tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, rất ít sử dụng nguyên liệu hoá thạch. Khi hết vòng đời các sản phẩm của chuỗi có thể tái tạo vòng đời mới, tạo ra các sản phẩm, tạo ra nguồn năng lượng mới thay thế các năng lượng truyền thống, hoặc phân huỷ nhanh không gây ảnh hưởng môi trường và thậm chí có thể làm phân bón hữu cơ sử dụng trong kinh tế nông nghiệp và kinh tế trồng rừng./.

PGS.TS Vũ Huy Đại (Trường Đại học Lâm nghiệp)