“Xương sống” của ngành Nông nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hộ là đơn vị kinh tế cơ bản trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở nước ta hiện nay. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ. Kết quả điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại thời điểm 01/7/2020, trong tổng hơn 9,12 triệu đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản thì có tới 9,108 triệu đơn vị sản xuất là hộ.
Với xu thế mở rộng quy mô, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân một nông hộ đã tăng lên, nhưng không nhiều. Báo cáo mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, hiện có 63% trong tổng số khoảng gần 10 triệu nông hộ trên cả nước đang sử dụng diện tích đất nhỏ hơn 0,5ha; 26% nông hộ sử dụng diện tích đất nông nghiệp từ 0,5 – 2ha.
Mặc dù sử dụng diện tích đất sản xuất nhỏ nhưng nông hộ là xương sống của ngành Nông nghiệp nước nhà – sản xuất khối lượng lương thực lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn góp phần đáng kể vào xuất khẩu. Cuộc điều tra nông nghiệp nông thôn của Tổng cục Thống kê giữa kỳ năm 2020 cho thấy, mặc dù Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng tình hình phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn chưa có nhiều khả quan.
Cụ thể, tại thời điểm ngày 01/7/2020, toàn vùng nông thôn của cả nước có 7.418 hợp tác xã và 7.471 doanh nghiệp. Trước đó, tại thời điểm ngày 01/7/2016, cũng theo kết quả điều tra nông nghiệp, nông thôn của Tổng cục Thống kê thì vùng nông thôn của cả nước có 6.946 hợp tác xã và có 3.846 doanh nghiệp. còn tại thời điểm năm 2011, toàn vùng nông thôn nước ta có 6.302 hợp tác xã và hơn 1.500 doanh nghiệp. Như vậy, nông hộ nhỏ vẫn nhận “vai chính” trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn.
Vai trò quan trọng của nông hộ được tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nghị quyết xác định: Trong thời gian tới, nông dân không chỉ là chủ thể mà còn là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo TS. Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, với Nghị quyết số 19-NQ/TW, lần đầu tiên, “nông dân” được đặt lên vị trí trước “nông nghiệp”, “nông thôn”. Điều đó khẳng định một tinh thần mới, một kết luận súc tích, rõ ràng, một khẳng định chắc chắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vị trí quan trọng hàng đầu của nông dân.
Nhóm yếu thế trong hội nhập
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi đất nước tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Nông nghiệp đã tạo thành tích ngoạn mục khi liên tục xuất siêu và khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Mặc dù hội nhập đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem lại vô vàn thách thức đối với các nông hộ nhỏ do khả năng nắm bắt cơ hội của họ còn hạn chế, năng lực và khả năng thích ứng với hội nhập chưa cao, nguồn lực hạn hẹp, công nghệ thấp và chịu nhiều rủi ro từ những biến động và rào cản trên thị trường.
Cụ thể, những nông hộ nhỏ có thể gặp rất nhiểu rủi ro ở các cấp độ khác nhau. Với những hộ bán sản phẩm ngay sau khi thu hoạch để trả nợ thì gặp nhiều rủi ro hơn so với những hộ chủ động nâng cao chất lượng, sản xuất nhiều sản phẩm và tham gia vào các thị trường phát triển hơn. Những hộ bán sản phẩm tại các chợ địa phương thì gặp rủi ro về giá cả - được mùa mất giá. Những hộ tham gia vào cộng đồng sản xuất nông sản có khả năng gặp rủi ro bị phá vỡ hợp đồng mặc dù có thể giảm rủi ro về đầu ra…
Vậy thì liệu sản xuất theo mô hình nông hộ nhỏ có tiếp tục tồn tại không? Tại hội thảo về cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam được tổ chức ngày 08/9/2023, TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nhóm nông hộ nhỏ là đối tượng yếu thế, dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan. Do đó, các cấp, các ngành cần quan tâm hỗ trợ các nông hộ nhỏ để họ không bị bỏ rơi, tụt hậu, mà có cơ hội tiếp tục vươn lên, đóng góp cho sự phát triển chung của quốc gia.
“Nông hộ nhỏ phải đối diện với nhiều vấn đề, nhưng vẫn có thể phát huy tác dụng thông qua huy động nguồn lực sẵn có kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, trở thành các cơ sở sản xuất nhỏ về diện tích nhưng lớn về giá trị. Nếu được hỗ trợ phù hợp, đối tượng này đủ sức hình thành một cấu trúc xã hội mới ở nông thôn, trong đó người dân nghèo được tạo cơ hội tự chủ sản xuất kinh doanh và có địa vị xã hội được nâng cao”, ông Phát cho biết thêm.
Đây cũng là nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thực tế cho thấy, việc tăng quy mô sản xuất là một phần tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên sẽ có một nhóm nông dân không theo kịp quá trình hội nhập và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo thu nhập tối thiếu cho nhóm này; cần có những nghiên cứu sâu hơn về tác động của hội nhập đến hộ nông dân nhỏ, hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ, từ đó đảm bảo sự tham gia của nông hộ nhỏ vào quá trình hội nhập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh”. Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XIII) tiếp tục khẳng định người nông dân là nhân tố quyết định, đảm nhiệm vị trí trung tâm của tiến trình phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa đất nước tiến lên giàu đẹp, hiện đại, văn minh./.