
Kinh tế phục hồi và phát triển tích cực nhưng doanh nghiệp chưa hết khó khăn
Số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy sự phục hồi và phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam quý I/2025 trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý I/2025 ước tính tăng trưởng mạnh mẽ 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất so với quý 1 của 5 năm (giai đoạn 2020-2025).
Mức tăng trưởng 6,93% này đã vượt qua mục tiêu tăng trưởng 6,2%-6,6% cho quý 1/2025 được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Trong quý I/2025, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua, phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế.
Điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quý I/2025 là số dự án mới đăng ký rất cao, với 850 dự án được cấp phép, tăng 11,5%; tuy vậy, số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, giảm 31,5%. Vốn đăng ký bình quân một dự án FDI chỉ với 5 triệu USD cho thấy có nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ.
Cũng trong 3 tháng đầu năm, có 401 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều lĩnh vực phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Theo Cục Thống kê, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn lập mới, quay lại thị trường. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 36.400 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 356.800 tỷ đồng. Số quay lại hoạt động cũng tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2024, đạt hơn 36.500 đơn vị. Như vậy, mỗi tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể vẫn tăng mạnh. Bình quân một tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, doanh nghiệp đóng cửa bình quân mỗi tháng cao hơn khoảng 2.000 đơn vị so với thành lập mới.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo - vốn là động lực của nền kinh tế, cho thấy trên 24,1% nói tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý cuối năm ngoái. Hơn 47% đơn vị kinh doanh nhìn nhận ổn định, còn lại đánh giá khó khăn.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tuy rằng xuất khẩu trong quý I tăng hơn 10% nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (14%). Nếu cả năm nay muốn tăng 10% thì bình quân mỗi tháng Việt Nam phải tăng gần 38 tỷ USD, nhưng đến thời điểm hiện tại thì bình quân mỗi tháng chỉ đạt khoảng 32 tỷ USD. Điều này có nghĩa là 9 tháng cuối năm, mỗi tháng phải đạt gần 40 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp.
“Có một điểm mà chúng ta cần lưu ý là từ nay trở đi chúng ta xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ không được thuận lợi như trước. Trong lúc đó, nền kinh tế của chúng ta rất mở nên chính sách thuế quan mới sẽ tác động không chỉ ngắn hạn mà còn trong dài hạn. Chúng ta cần phải huy động nội lực toàn xã hội để tăng sức mạnh nội tại để vươn mình hội nhập”, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế tư nhân
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, căng thẳng địa chính trị, đồng USD mạnh lên khiến áp lực tỷ giá tăng nhanh tại các quốc gia mới nổi.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó lường, chủ nghĩa bảo hộ và cuộc chiến thương mại diễn ra gay gắt, tác động xấu tới động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Lâm chỉ rõ.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm 2025, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ và các địa phương, cùng với cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục thực thi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để giữ nhịp tăng trưởng.
Trước hết, cần đổi mới tư duy, đột phá trong cải cách thể chế, kiến tạo, vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp. Rà soát loại bỏ tất cả những các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Chính phủ cần khẩn trương, đi trước trong cải cách thể chế, rà soát sửa đổi, minh bạch môi trường pháp lý. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo niềm tin, động lực và sự năng động để phát triển kinh tế tư nhân.
Cùng với đó là tập trung giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công của năm 2025. Vốn đầu tư công thực hiện sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2025, bởi động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng đang phục hồi chậm và chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Tiêu dùng cuối cùng là động lực tăng trưởng có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất trong các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng lên đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng cầu thế giới, TS. Nguyễn Bích Lâm phân tích.
Ngoài ra, Chính phủ cần có chiến lược chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu; tập trung phát triển xuất khẩu dịch vụ nhằm xử lý thực trạng nền kinh tế luôn nhập siêu dịch vụ, đặc biệt thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ mấy năm gần đây luôn ở mức cao.
“Việc giảm nhập siêu dịch vụ là vấn đề cần quan tâm thích đáng, đặc biệt trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao của nền kinh tế, bởi theo tính toán, nếu giảm được 10% nhập siêu dịch vụ sẽ giúp GDP tăng thêm 0,36%”, TS. Lâm nêu rõ.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia đã mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu hàng hóa. Cùng với đó là các trợ lực như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đang duy trì đà phát triển. Ngoài các trợ lực tăng trưởng này, cần chú ý đến kinh tế vĩ mô, lạm phát và tỷ giá, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi tương đối khả quan.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng một yếu tố quan trọng nữa chính là đột phá thể chế và cách mạng tinh gọn bộ máy. “Với đà này thì doanh nghiệp và người dân được củng cố niềm tin tốt lên. Và khả năng mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong năm 2025 và năm tiếp theo sẽ đạt được”, ông Lực bày tỏ tin tưởng.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số thì phải có động lực, các giải pháp, cũng như các yếu tố hỗ trợ. “Năm 2025 tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện thể chế. Công tác hoàn thiện thể chế là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao”, ông Tâm nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng, cần tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế.
Một giải pháp nữa, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là làm mới các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư, kích cầu tiêu dùng cũng như xuất nhập khẩu. Động lực tăng trưởng nữa là đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đồng thời xây dựng trung tâm tài chính ở TPHCM và Đà Nẵng.
“Đây là cuộc chơi mới và cách thức mới để chúng ta thu hút được thêm nguồn lực. Nếu chúng ta làm được việc này thành công thì chắc chắn sẽ có nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế", Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định./.