Theo trang Nikkei Assia của Nhật Bản đưa tin, Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn sản xuất chip lớn của thế giới. Ngoài Apple, Samsung, Panasonic đang mở rộng quy mô, mới nhất tập đoàn Synopsys của Mỹ cũng cho biết sẽ hỗ trợ đào tạo kĩ sư, thành lập trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam.
Ông Okuda Yoshiki - Cố vấn phát triển Tổ chức JICA, Nhật Bản chobiết: "Trước đây, không những Nhật Bản, mà nhiều nước khác dựa vào sản xuất của Trung Quốc. Nhưng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Giờ đây, việc đưa các nhà xưởng tới Việt Nam đang trở thành xu hướng và rất có ý nghĩa với Nhật Bản".
Điểm đáng chú ý là Việt Nam ngày càng thu hút nhiều tập đoàn sản xuất đòi hỏi công nghệ cao. Theo trang Retail news, tập đoàn Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam bằng cách đưa nhiều doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung cấp.
"Chúng tôi thực sự muốn được làm việc trực tiếp với các công ty Việt Nam nhưng các doanh nghiệp trong nước cần tập đi trước khi chạy. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh và chạy nhanh", ông Michael Nguyễn - Tổng Giám đốc Boeing Việt Nam cho biết.
Trang Vietnam Briefing có bài viết "Tại sao Việt Nam trở thành lựa chọn đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Mỹ ở châu Á". Theo đó, lực lượng lao động có kỹ năng và chi phí thấp, cơ sở hạ tầng ổn định, môi trường an toàn và các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là những gì các nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: "Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách tin cậy, nhất quán về vấn đề giấy phép lao động, trong đó có giấy phép lao động cho chuyên gia, thời gian lưu trú, đảm bảo sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng, chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng và tăng trưởng sẽ được duy trì trong những tháng tới".
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài ổn định, các tập đoàn lớn tăng cường chuyển dịch các chuỗi cung ứng sang Việt Nam là những minh chứng cho chính sách kinh tế linh hoạt của chính phủ, đồng thời cho thấy triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.