Doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn: Cơ hội và thách thức

Năm 2018, Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ định là tác nhân chính xây dựng mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm thịt lợn Organic Green. Đến nay, Chuỗi đã đạt được nhiều kết quả mong muốn, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức.

Xây dựng hệ thống chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn

Ông Nguyễn Văn Chữ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green, cho biết, năm 2014, Công ty đã tham gia xây dựng Mô hình thử nghiệm chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội triển khai.

Đến năm 2017, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và chuỗi chính quy. Năm 2018, Công ty được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ định là tác nhân chính xây dựng Mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm thịt lợn Organic Green, trong khuôn khổ dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”.

438e740abe775980457d775f195908dc-1656292273.jpg
Organic Green đã xây dựng được nhà máy giết mổ công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo an toàn vệ sinh và giữ được sự tươi ngon của sản phẩm

 

Đến nay, Organic Green đã xây dựng được hệ thống trang trại chăn nuôi lợn sạch theo tiêu chuẩn, quy trình công nghệ của chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội, khẳng định được sự ưu điểm như: Chi phí sản xuất giảm, chất lượng thịt cao và ổn định, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học (các trang trại chăn nuôi vượt qua các cơn bão dịch: lở mồng long móng gia súc, dịch tả lợn Châu Phi) được các chủ trại khẳng định và các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

Cùng với đó, Organic Green đã xây dựng được nhà máy giết mổ công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo an toàn vệ sinh và giữ được sự tươi ngon của sản phẩm, nhất là kéo dài được thời gian sử dụng sản phẩm từ 6 tháng đến một năm tránh trường hợp được mùa mất giá như hiện nay.

Hiện Công ty đã có các sản phẩm mang nhãn hiệu Organic Green được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, các loại đưa ra thị trường như thịt lợn, xúc xích, chân giò hun khói....

“Tham gia vào chuỗi cung ứng chúng tôi nhận thấy phụ nữ có vai trò rất quan trọng tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của gia đình. Vì các anh ăn gì, con cái ăn cái gì, mua cái gì thì phần lớn đều phụ thuộc vào bàn tay của các chị”, ông Nguyễn Văn Chữ cũng cho biết.

Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Hà Nội đã đồng hành với Chuỗi Organic Green hơn 4 năm, làm hơn 400 cuộc hội thảo lớn nhỏ cho hơn 35 nghìn hội viên phụ nữ tiếp cận, dùng thử, mua sử dụng sản phẩm.

Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội LHPN thành phố Hà Nội, chuỗi đã tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ các phường của 10 quận nội thành được tham quan các cơ sở chăn nuôi liên kết với chuỗi, nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm, rau sạch... Qua đó chuỗi sản xuất dần tạo được uy tín, được nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ biết đến và sử dụng.

Tại các phường, hội viên phụ nữ đã đứng ra và nhận làm điểm cung cấp thực phẩm an toàn của chuỗi vừa thuận tiện cho người tiêu dùng,vừa được sử dụng những sản phẩm an toàn, chất lượng mà nhà sản xuất cũng được quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình, đến nay đã thành lập được hơn 100 điểm bán tại 12 quận nội thành đang hoạt động tích cực.

Cơ hội và thách thức

Trong quá trình xây dựng và phát triển Chuỗi thực phẩm sạch, đại diện của Organic Green cũng nhận thấy có những cơ hội và thách thức. Theo ông Nguyễn Văn Chữ, về cơ hội, xu thế dùng thực phẩm truy suất nguồn gốc, an toàn, sạch là tất yếu cùng với sự phát triển của xã hội.

Cùng với đó, doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều từ các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Đặc biệt là các cơ quan về nông nghiệp, Cục chăn nuôi, Cục chế biến nông lâm thủy sản, Trung tâm khuyến nông Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Y tế, Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội, Chi cục thú y Hà Nội… và các cơ quan truyền thông, báo chí.

5acf1d6a003e06e65ade156839aec8ea-1656292285.jpg
Sản phẩm của Organic Green đạt tiêu chuẩn OCOP

“Với Chuỗi thực phẩm sạch có lợi thế riêng là đã hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp gần 20 năm tại Thủ đô Hà Nội - đây là thị trường có nhiều tiềm năng về thực phẩm sạch hàng đầu của cả nước và ở đây có nhiều chuyên gia giỏi, nhân sự chất lượng cao.

Đây là lợi thế rất lớn cho chuỗi khi cần nguồn nhân sự chất lượng để phát triển; giảm được các chi phí vận chuyển do gần thị trường tiêu thụ lớn”, ông Nguyễn Văn Chữ khẳng định.

Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội thì khi tham gia xây dựng chuỗi cung ứng, Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green cũng gặp phải không ít thách thức.

Có 2 thách thức lớn mà doanh nghiệp gặp phải, đó là tư duy người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế và xây dựng chuỗi đòi hỏi nguồn nhân lực lớn về nhân sự, tài chính.

Còn đối với nhân lực, để có thức ăn chăn nuôi sạch đảm bảo thì phải xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tối thiểu 1.5 đến 2 tỷ USD tương đương 35 tỷ đến 50 tỷ.

Các trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp, nuôi 100 con nái và 1.000 con thịt thì chi phí đầu tư cũng khoảng 15 tỷ đến 20 tỷ. Nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn Châu Âu với quy mổ nhỏ nhất cũng khoảng 20 tỷ.

Hệ thống cửa hàng cũng phải đầu tư chi phí lớn và đặc biệt nữa là đầu tư hệ thống nhân sự chất lượng cao.

Để có hiệu quả trong việc kết nối cung cấp tiêu thụ sản phẩm an toàn, ông Nguyễn Văn Chữ cũng đề xuất: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có cơ chế chính sách thiết thực trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với thực phẩm theo hướng hữu cơ.

Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hỗ trợ sát sao trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các kênh tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.