Việt Nam là quốc gia sản xuất thịt lớn đứng thứ 6 trên thế giới trong năm 2023, với khối lượng hơn 2,7 triệu tấn. Nhưng cũng tại Việt Nam, chuỗi sản xuất thịt lợn, với sự tham gia của nhiều khâu trung gian, đang tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Một khảo sát thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và các đối tác cho thấy hơn 50% sản phẩm thịt lợn bán trên thị trường Việt Nam bị nhiễm khuẩn Salmonella, dù đó là kênh phân phối qua chợ truyền thống hay các siêu thị hiện đại. Ước tính cứ 10 người tiêu dùng thịt lợn thì có 1-2 người mắc bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella hàng năm.
Những con số này được chia sẻ tại Hội thảo Tập huấn “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Trong khuôn khổ Hội thảo, tại phiên tọa đàm với chủ đề "Phương pháp tiếp cận sáng tạo trong truyền thông an toàn vệ sinh thực phẩm", các đại biểu khách mời đã sôi nổi thảo luận để tập trung làm rõ mối liên kết giữa nguy cơ, thông tin khoa học và truyền thông, đồng thời hướng đến việc đề xuất các giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Nội dung trao đổi xoay quanh các vấn đề được quan tâm, như minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm; các chuỗi sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật; cách truyền thông dựa trên dẫn chứng khoa học để nâng cao niềm tin và sự đồng thuận của xã hội.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp, cho biết: “Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đảm bảo chất lượng đầu vào và thể hiện sự tuân thủ qua các chứng nhận như ISO 22000:2018”. Đây là tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) dựa trên phương pháp HACCP, giúp giảm thiểu rủi ro và xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Ngoài ISO 22000:2018, các chứng nhận khác như Halal, Global GAP, hay phúc lợi động vật cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào những thị trường xuất khẩu khắt khe. Tuy nhiên, bà Hạnh lưu ý rằng một số doanh nghiệp sau khi đạt chứng nhận lại không gia hạn khi hết hiệu lực, chủ yếu do chi phí cao. Việc duy trì bền vững các chứng nhận này cần được chú trọng để bảo vệ niềm tin của khách hàng và tăng giá trị và chất lượng sản phẩm.
"Trong thời đại số hóa, minh bạch thông tin sản phẩm là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng", đại diện Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp nhận định.
Các công cụ như blockchain và mã QR đang được áp dụng rộng rãi, cho phép khách hàng dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc và quy trình sản xuất. Điều này không chỉ tạo sự minh bạch mà còn giúp quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.
Công nghệ Blockchain với kỹ thuật tiên tiến sở hữu nhiều đặc điểm nổi bật: không thể làm giả hoặc phá hủy chuỗi dữ liệu; đảm bảo tính minh bạch; loại bỏ sự phụ thuộc vào các đơn vị trung gian; vận hành phi tập trung và mang lại độ tin cậy cao. Thực tế, nhiều nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới đã khẳng định rằng công nghệ Blockchain là lựa chọn hàng đầu cho các giải pháp xác thực, mang đến một hệ thống an toàn, thông minh và đáp ứng hiệu quả các yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Khi xảy ra rủi ro về sức khỏe ở bất kỳ giai đoạn nào trong chuỗi cung ứng, cần có một hệ thống truy xuất ngược để xác định sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các quy định ngành, công nghệ Blockchain, với tính năng đột phá và cấu trúc phi tập trung, có thể hỗ trợ tối ưu trong việc này.
Hiện nay Việt Nam đã ban hành các quy định pháp lý như Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các tiêu chuẩn về ATTP. Các trang trại được chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền về những trang trại đạt chuẩn cũng như các giải pháp hỗ trợ người bán, bao gồm nâng cấp trang thiết bị, cải thiện vệ sinh chuồng trại và cơ sở giết mổ.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, an toàn thực phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng và giá trị thực phẩm, các doanh nghiệp luôn nỗ lực để đạt được các chứng nhận ATTP từ khâu sản xuất, chế biến cho đến thành phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tái chứng nhận sản phẩm khi hết hạn, đảm bảo các sản phẩm luôn tuân thủ các tiêu chuẩn thị trường.
Về mặt chiến lược, cần minh bạch với người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời liên kết để giảm chi phí logistics, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị và giảm giá thành. Trong tương lai, sản xuất phải gắn với các tiêu chí bền vững như giảm phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Không đảm bảo ATTP tốt thì không thể bán ra sản phẩm. Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng đã thay đổi nhận thức và có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có thông tin rõ ràng. Đảm bảo ATTP đã trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược truyền thông mang tính lan tỏa cao về ATTP. Bên cạnh đó, tạo ra những điểm nhấn riêng biệt để người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bền vững, gắn với lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường”, bà Hạnh nhận định./.