
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, 4/8 Khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và 45 Cụm công nghiệp (CCN) được thành lập. KKT Nghi Sơn và các KCN hiện nay đã thu hút được 721 cơ sở, doanh nghiệp vào hoạt động. Việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện nghiêm túc với sự tham gia, phối hợp của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Nhằm giảm thiểu và kiểm soát tốt ô nhiễm tại các KCN, CCN trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai nhiều giải pháp giúp cho công tác quản lý nhà nước về môi trường theo đúng định hướng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ; Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn đến năm 2030; Kiểm soát chất lượng môi trường không khí, kiểm soát các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, y tế và các loại chất thải khác; Quản lý và kiểm soát nguồn thải, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, thu hồi năng lượng và nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác (từ phụ phẩm nông nghiệp); Triển khai các dự án giảm nhẹ phát thải khí thải nhà kính; Bước đầu kiểm soát nguồn phát thải khí nhà kính và xây dựng cơ sở dữ liệu về tín chỉ cacbon.

Từ khi triển khai Luật Bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm ở các Khu công nghiệp. Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa định kỳ hằng năm xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nội dung biện pháp thực hiện được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm cơ sơ sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và đạt được nhiều kết quả.
Trong đó, các cơ sở sản xuất đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường, các cơ sở đang hoạt động đầu tư cải tạo, bổ sung đối với các công trình xử lý môi trường còn thiếu hoặc xuống cấp nhằm tăng cường hiệu quả xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Việc đầu tư đổi mới công nghệ xử lý khí thải công nghiệp cũng đã được các cơ sở quan tâm thực hiện.
Hệ thống quan trắc theo dõi, giám sát khí thải, bụi, tiếng ồn trong sản xuất được đầu tư hoàn thiện và được kiểm tra, đánh giá chất lượng thường xuyên. Đến nay, 100% các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN thẩm định và ban hành các quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đặc biệt, có 26 cơ sở đã truyền dữ liệu quan trắc chất thải tự động về Sở với 112 trạm (27 trạm quan trắc nước thải; 85 trạm quan trắc khí thải) góp phần tăng hiệu quả giám sát chất lượng chất thải trước khi xả ra môi trường tại các cơ sở.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường nâng cấp phần mềm Envisoft đáp ứng các yêu cầu về quản lý trạm quan trắc tự động với 112 trạm quan trắc tự động, liên tục khí thải truyền dữ liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường góp phần tăng hiệu quả giám sát chất lượng khí thải tại các cơ sở.
Như vậy, từ sau khi triển khai Luật bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Thanh Hoá bước đầu đạt những kết quả quan trọng. Nhiều Khu, Cụm công nghiệp ở Thanh Hóa đã chấp hành nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường. Trong đó các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị, cơ sở vật chất để góp phần hạn chế tối đa các nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đã có nhiều doanh nghiệp bỏ ra hàng tỉ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đổi mới thiết bị để giảm độ rung, khói bụi, tiếng ồn… nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do sự phát triển khá nhanh của ngành công nghiệp hiện nay./.