Hậu Giang khá thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng cho phát triển nông nghiệp với hệ thống sông, rạch chằng chịt, đất đai màu mỡ, giàu nguồn lao động. Toàn tỉnh hiện có khoảng 134.000ha đất nông nghiệp sản xuất nông lâm thủy sản. Hệ thống giao thông nội tỉnh, liên huyện, liên xã đã được đầu tư nâng cấp nên việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, đi lại của người dân được thuận tiện. Đây là lợi thế và là yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của ngành nông nghiệp nói riêng.
Phát huy tiềm năng thế mạnh, khai thác hiệu quả những thuận lợi, bằng sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp; cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân trên địa bàn, nông nghiệp nông thôn có từng bước phát triển. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhịp độ khá cao, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; an ninh lương thực được đảm bảo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương có trên 100 nghìn ha đất nông nghiệp với nhiều loại sản phẩm đa dạng và gần 220 hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, ngành nông nghiệp đang tập trung đầu tư cho 15 hợp tác xã, 3 doanh nghiệp theo Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Sau thời gian thực hiện xây dựng các chuỗi giá trị có kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hiện toàn tỉnh đã có 22 chuỗi với tổng diện tích hơn 200ha được cấp xác nhận sản phẩm an toàn thực phẩm.
Cụ thể, sản phẩm cá thát lát có 17ha và lúa- gạo có 70ha ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh; rau ăn lá 2ha ở huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ; trà mãng cầu 18ha ở huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp; mít có 20ha ở huyện Châu Thành; nhãn có 9ha ở huyện Châu Thành A; chanh không hạt có 20ha ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; nấm rơm có 1ha và lươn có 1ha ở thị xã Long Mỹ; xoài có 12ha ở huyện Châu Thành A; thủy sản có 32ha và cam xoàn có 1ha ở huyện Phụng Hiệp.
Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, nhằm tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của tỉnh cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại tham gia đầu tư phát triển sản xuất, liên doanh liên kết hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao như cá thát lát, lươn, mít, chanh không hạt, lúa gạo,… góp phần phát triển nông nghiệp bền vững thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Đồng thời tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng và hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung (cá thát lát, lươn, mít, mãng cầu, lúa gạo, rau màu...) được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Mời gọi doanh nghiệp thực hiện liên kết với HTX, hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các vùng sản xuất chuyên canh trên địa bàn tỉnh.
Từ những thành công trên, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ khuyến khích các chuỗi đã được công nhận mở rộng quy mô cả về diện tích và số hộ tham gia nhằm tạo ra nguồn sản phẩm ổn định về chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ cho việc ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Có chương trình, kế hoạch hỗ trợ, kiểm tra, giám sát các vùng sản xuất chuyên canh nhằm giúp người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định bền vững.../.