Ngành thực phẩm đón xu hướng đề cao các sản phẩm có tính xanh - bền vững của người tiêu dùng

Xu hướng nguyên liệu và công nghệ xanh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống bền vững của mỗi quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là có thế mạnh về nguồn nguyên liệu xanh cho công nghiệp thực phẩm, đồ uống, đồng thời cũng là thị trường rộng mở cho sản phẩm bền vững khi người tiêu dùng nội địa ngày càng hướng đến sản phẩm xanh.
thuc-pham-xanh-1-1728551316.jpg
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các thực phẩm “xanh” không gây tác động tiêu cực đến môi trường. (Ảnh minh họa)

Nguyên liệu xanh sẽ giúp ngành thực phẩm ngày càng khẳng định vị thế

Theo phân tích của ông Nguyễn Duy Lâm, Chủ tịch Hội khoa học và công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam (VAFoST), ngành công nghiệp sản xuất thành phần nguyên liệu thực phẩm đóng một vai trò vô cùng quan trọng về an ninh (food security) và an toàn thực phẩm (food safety).

Nguyên liệu không chỉ quyết định hương vị và kết cấu của thực phẩm, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng và tạo ra xu hướng chấp nhận của người tiêu dùng, cũng như đảm bảo sản xuất thực phẩm chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển và hội nhập mạnh mẽ, mà nguồn tài nguyên, nhất là nguyên liệu mới cho thấy có thế mạnh và tiềm năng phục vụ ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống bền vững.

Những năm qua, ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với quy chuẩn an toàn ngày càng cao đã giúp ngành ngày càng hội nhập thị trường thương mại tự do.

thuc-pham-xanh-4-1728551375.jpg
Thị trường thực phẩm, đồ uống Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững.  (Ảnh minh họa)

Ngành thực phẩm Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trên bản đồ thực phẩm thế giới. Năm 2023, doanh thu của ngành đã vươn lên đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Philippines.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và nâng cao vị thế quốc gia.

Còn sản xuất chế biến thực phẩm đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng đáng kể 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ trọng giá trị sản xuất cao này, vừa phản ánh thế mạnh hiện tại, vừa cho thấy những tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai của ngành này.

Mặt khác, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số và sự cải thiện mức sống đã đẩy mạnh nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam. Điều này cũng tạo động lực mạnh mẽ để ngành nguyên liệu thực phẩm, đồ uống không ngừng phát triển sản phẩm mới lạ, độc đáo đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong ưu tiên và ưu chuộng sản phẩm xanh.

Cùng đó, xu hướng tiêu dùng mới đang mang lại những cơ hội vàng cho ngành như sau dịch COVID-19 thì nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn, nguồn gốc rõ ràng… ngày càng gia tăng và mở ra thị trường tiềm năng cho ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam.

Bên cạnh thị trường nội địa, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đã khơi thông hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thực phẩm, đồ uống của Việt Nam sang thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững, ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, gồm: doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức nghiên cứu để xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường quảng bá sản phẩm sẽ giúp hàng hóa Việt Nam chinh phục được những thị trường khó tính.

Hơn nữa, ngành phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững… mới có thể bắt kịp xu hướng tiêu dùng nội địa, cũng như thị trường toàn cầu.

Thực phẩm, đồ uống Việt Nam tạo lợi thế “Xanh hóa” thị trường nội địa

Liên quan đến thị trường thực phẩm, đồ uống Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng chia sẻ, Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng tăng về sự đa dạng và chất lượng đối với mặt hàng thực phẩm, đồ uống và những sản phẩm chức năng, khi độ tuổi trung bình quốc gia nằm trong khoảng 30 tuổi.

Bên cạnh đó, ngành thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm từ 10%-12% là nền tảng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp quốc tế tiếp cận sâu hơn với thị trường Việt Nam thông qua sản phẩm địa phương đặc trưng được sản xuất và chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ở góc độ đối tác thương mại, ông Jim O'Toole, Giám đốc điều hành Cơ quan Thực phẩm Ireland (Bord Bia) cho biết người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm tính minh bạch về nguồn gốc thực phẩm nên tiềm năng mở rộng các sản phẩm thực phẩm, đồ uống của Ireland tại thị trường Việt Nam là rất lớn.

Bởi Ireland là quốc gia nổi bật về sản xuất xanh, với tiêu chuẩn khắt khe về tính an toàn và bền vững của thực phẩm và những điều này hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai.

thuc-pham-xanh-5-1728551435.jpg
Nhà bán lẻ và doanh nghiệp tham quan khu vực trưng bày sản phẩm tham gia chiến dịch tiêu dùng xanh tại siêu thị. (Ảnh TTXVN)

Ghi nhận trong thời gian gần đây, những hội chợ, triển lãm chuyên ngành thực phẩm, đồ uống được tổ chức ở Việt Nam nói chung, hay Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã tạo được sức hút đối với doanh nghiệp từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Trong số đó, có thể kể đến triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm-Đồ uống và Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 28 (Vietfood & Beverage-Propack Vietnam 2024) diễn ra vào tháng 8/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu hút doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; hay Triển lãm quốc tế hàng đầu về nguyên liệu thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam (Fi Vietnam 2024) đang diễn ra từ nay đến ngày 11/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng thu hút doanh nghiệp hàng đầu đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đối với ngành thực phẩm, đồ uống, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng nhận định hoạt động xúc thương mại là một trong những giải pháp không thể thiếu để thúc đẩy ngành thực phẩm, đồ uống, cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu sản phẩm, công nghệ sản xuất chế biến.

Đây còn là những điểm đến để doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng thương hiệu sản phẩm, mối quan hệ hợp tác kết nối giao thương, mở rộng thị trường hai chiều giữa Việt và các quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng chỉ ra rằng, doanh thu thị trường ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến đạt hơn 720.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng 10,92% so với 2023.

Với xu hướng người tiêu dùng đề cao các sản phẩm có tính xanh - bền vững, thị trường thực phẩm, đồ uống Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất hàng nội địa lẫn nhập khẩu./.

Mỹ Phương