Quảng cáo #128

Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm củng cố lòng tin của cộng đồng

Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề như thực phẩm chứa hóa chất, ô nhiễm vi sinh, và thông tin sai lệch về nguồn gốc thực phẩm. Theo đó, truyền thông nguy cơ là yếu tố quan trọng giúp phòng tránh hoặc giảm thiểu sự bất bình và mất lòng tin của cộng đồng.

Nội dung trên được chia sẻ tại Hội thảo tập huấn với chủ đề “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”, do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức.

toa-dam-thuc-pham-1-1733455353.jpg
Hội thảo tập huấn với chủ đề “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”. (Ảnh CTV)

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra tọa đàm “Phương pháp tiếp cận sáng tạo trong truyền thông về an toàn thực phẩm”. Tại đây, TS Lưu Quỳnh Hương, chuyên gia nghiên cứu về an toàn thực phẩm của Viện Thú y, đã thảo luận về cách chia sẻ dữ liệu khoa học đến người tiêu dùng (NTD) một cách minh bạch và hữu ích.

TS Hương cho biết, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các nguy cơ vi sinh vật và hóa học (như tồn dư kháng sinh và hormone) thường được nghiên cứu thông qua các đề tài, dự án hoặc hợp tác khoa học. Kết quả nghiên cứu thường được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các thông tin mang tính học thuật này không dễ dàng đối với người dân và NTD - những đối tượng trực tiếp quan tâm đến thực phẩm hàng ngày. Do đó, bà Hương nêu ba tiêu chí quan trọng khi truyền thông về khoa học: thông tin chính xác, có chọn lọc, ngôn ngữ dễ hiểu.

toa-dam-thuc-pham-5-1733455342.jpg
Các chuyên gia cho rằng, truyền thông nguy cơ là yếu tố quan trọng giúp phòng tránh hoặc giảm thiểu sự bất bình và mất lòng tin của cộng đồng đối với sản phẩm thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia Viện Thú y chia sẻ ví dụ thực tiễn từ hơn 20 năm nghiên cứu về vi khuẩn Salmonella. Theo TS Hương, trải qua nhiều năm, kết quả nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm vi khuẩn này vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 30-80% mẫu thịt thu thập trên thị trường bị nhiễm Salmonella.

Chuyên gia lưu ý, mặc dù có hơn 2.600 loài Salmonella nhưng không phải tất cả đều gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, cần truyền tải thông tin một cách đầy đủ và chính xác để người dân hiểu rõ, tránh hoang mang không cần thiết.

toa-dam-thuc-pham-2-1733455395.jpg
TS.BS. Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện Sức khỏe môi trường & Phát triển bền vững trao đổi về vấn đề truyền thông nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.(Ảnh CTV)

Nói về thực trạng và vấn đề an toàn thực phẩm của Việt Nam, TS.BS Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện Sức khỏe môi trường & Phát triển bền vững cho biết, Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề như thực phẩm chứa hóa chất, ô nhiễm vi sinh, và thông tin sai lệch về nguồn gốc thực phẩm. Theo đó, truyền thông nguy cơ là yếu tố quan trọng giúp phòng tránh hoặc giảm thiểu sự bất bình và mất lòng tin của cộng đồng.

TS Phúc khẳng định: "truyền thông nguy cơ để đạt được hiệu quả, cần đảm bảo tính minh bạch, hiểu và đồng cảm với đối tượng mục tiêu, truyền tải thông tin kịp thời, sử dụng bằng chứng khoa học để củng cố thông điệp. Đồng thời, cần cân nhắc những vấn đề chưa chắc chắn, còn gây tranh cãi, và xử lý thông tin tiêu cực một cách khéo léo".

Bên cạnh đó, theo TS. Phúc cần nhận thấy vai trò của chuỗi truyền thống các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là chuỗi sản xuất thịt lợn và các giải pháp can thiệp, truyền thông phù hợp để đảm bảo an toàn thực phẩm của các chuỗi này./.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu khách mời đã tập trung làm rõ mối liên kết giữa nguy cơ, thông tin khoa học và truyền thông, đồng thời hướng đến việc đề xuất các giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác truyền thông nguy cơ về ATTP.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày thêm nội dung tổng quan về an toàn thực phẩm và hệ thống thực phẩm và thách thức của nhà báo trong truyền thông về an toàn thực phẩm. Các nhà báo tham gia tập huấn được chia thành 3 nhóm, thảo luận về 3 chủ đề: Truyền thông nguy cơ an toàn thịt lợn thực tế tại Việt Nam; Mối nguy về vi sinh vật (Salmonella và E. coli) ở thịt lợn tại Việt Nam và Quản lý bệnh do thực phẩm liên quan đến thịt gà bị ô nhiễm vi sinh vật.

Sau phiên thảo luận, các khách mời tiếp tục trao đổi thêm trong phiên toạ đàm “Phương pháp tiếp cận sáng tạo trong truyền thông về ATTP”.

Phiên tọa đàm tập trung làm rõ mối liên kết giữa nguy cơ, thông tin khoa học và truyền thông, đồng thời hướng đến việc đề xuất các giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm. Nội dung trao đổi xoay quanh các vấn đề được quan tâm, như minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm; các chuỗi sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật; cách truyền thông dựa trên dẫn chứng khoa học để nâng cao niềm tin và sự đồng thuận của xã hội.

Bình Châu