Hỗ trợ toàn diện, kịp thời và hiệu quả để DN tham gia TMĐT XBG
Theo Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam", do công ty tư vấn Access Partnership thực hiện, ước tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 80.000 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu DN trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.
Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho DN Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề là cần một tạo ra một sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời và hiệu quả từ nhiều bên liên quan như các cơ quan chính phủ, nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành, để thúc đẩy và trang bị kiến thức, thông tin, kỹ năng, công cụ hỗ trợ cho các DN.
Ông Gijae Seong, CEO Amazon Global Selling Việt Nam cho biết hiện nay công ty đang tập trung vào 5 mục tiêu chính để hỗ trợ DN.
Thứ nhất là nâng cao nhận thức và mức độ sẵn sàng của các DN đối với TMĐT XBG. “Thông qua hợp tác với các đơn vị như Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), những ban ngành, hiệp hội, chúng tôi tăng cường các hoạt động đào tạo cho DN Việt Nam về bán hàng toàn cầu qua Amazon”, ông Gijae Seong nói.
Công ty cũng khuyến khích DN Việt xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hàng hóa bằng cách cung cấp các giải pháp từ bảo vệ thương hiệu đến quảng bá và xây dựng thương hiệu trên Amazon, đồng thời kết nối DN với các nhà cung cấp dịch vụ để giúp DN xây dựng chiến lược thương hiệu phù hợp, hiệu quả.
Thứ ba, DN cũng được hỗ trợ vượt qua những khó khăn về vận chuyển, hậu cần, đặc biệt là chi phí để phát triển quy mô toàn cầu.
Thứ tư, nâng cao trải nghiệm của nhà bán hàng trong suốt quy trình hoạt động của đối tác với mục tiêu giảm thời gian đăng ký, bản địa hóa, đồng thời tăng cường hỗ trợ người bán bằng nhiều nội dung và tăng thêm kênh liên hệ bằng tiếng Việt.
Thứ năm, kết nối và góp phần xây dựng những cộng đồng nhà bán hàng XBG.
Những yếu tố giúp tăng tính cạnh tranh cho DN Việt khi tham gia sân chơi toàn cầu
Theo ông Gijae Seong, áp dụng TMĐT vào kinh doanh và hoạt động xuất khẩu góp phần quan trọng cho việc phát triển nền kinh tế số quốc gia. Bởi, thông qua TMĐT nói chung và TMĐT XBG nói riêng, DN sẽ tận dụng được 2 lợi thế quan trọng.
Thứ nhất là lợi thế về số hoá. Cụ thể, với TMĐT và TMĐT XBG, DN có thể sử dụng dữ liệu số để nắm bắt nhanh chóng và kịp thời những xu hướng tiêu dùng hay thị hiếu của khách hàng quốc tế. Khác với nhu cầu và thị trường của người bản địa, khi mở rộng ra những thị trường như Mỹ, châu Âu, rất khó để các DN hiểu được nhu cầu hay tập tính của khách hàng. Các công cụ của Amazon giúp nhà bán hàng tìm hiểu, phân tích và thống kê thông tin về nhu cầu sản phẩm, tính năng, phản hồi của khách hàng để cải tiến sản phẩm, dịch vụ, cách tiếp thị, từ đó tăng tính cạnh tranh trên môi trường kinh doanh số.
Ngoài ra, DN cũng có lợi thế về các chiến lược toàn cầu hóa. Thông qua TMĐT XBG, DN Việt có thể tiếp cận và phát triển các thị trường mới, thúc đẩy toàn cầu hóa nhanh hơn. Không chỉ là đưa sản phẩm “toàn cầu hoá” và DN còn có cơ hội “toàn cầu hóa” thương hiệu của mình đến với khách hàng mọi nơi trên thế giới. Chính vì vậy, Amazon Global Selling khuyến khích các DN Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh doanh, có tầm nhìn dài hạn, không chỉ tận dụng thế mạnh về sản xuất gia công, mà cần xây dựng thương hiệu để nâng giá trị sản phẩm Made-in-Vietnam trên sân chơi TMĐT XBG.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Gijae Seong cho biết có 3 khía cạnh để DN gia tăng tính cạnh tranh khi tham gia thị trường toàn cầu. Thứ nhất là hiểu khách hàng quốc tế. Các công cụ số hóa từ TMĐT XBG cho phép DN hiểu được nhu cầu, hành vi, hoặc ngay lập tức đọc được đánh giá, phản hồi, góp ý của khách hàng trên gian hàng của mình, từ đó có cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cách thức tiếp thị cho thương hiệu của mình.
Bên cạnh đó, DN cần chú trọng yếu tố đổi mới, đột phá sản phẩm. Thông thường, các nhà sản xuất chỉ có thể lắng nghe phản hồi từ thị trường thông qua các kênh trung gian, như các nhà xuất khẩu hoặc các nhà bán sỉ và thay đổi sản phẩm phải mất 6 tháng đến 1 năm. Thông qua công nghệ và TMĐT XBG, DN có thể nắm bắt nhu cầu KH nhanh hơn, từ đó đổi mới sản phẩm nhanh hơn.
Xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh. Bởi vì, ở sân chơi toàn cầu, chất lượng sản phẩm là một khía cạnh bắt buộc, nhưng DN cũng cần nâng cao giá trị sản phẩm bằng giá trị thương hiệu. Khi hiểu được khách hàng, đổi mới sản phẩm, và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu, DN sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu./.