Vấn đề ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội trong thời gian qua luôn nằm trong tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống cũng như sức khỏe của người dân. Theo thống kê của hệ thống quan trắc không khí IQAir, từ đầu năm 2025 tới nay, Hà Nội luôn nằm trong top những thành phố có chất lượng không khí kém tại Việt Nam. Có những thời điểm, chất lượng không khí tại Thủ đô đã ở mức màu đỏ “không lành mạnh” và màu tím “rất không tốt”, gây nguy hại tới môi trường.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng ô nhiễm như hiện nay xuất phát từ nhiều nguồn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, các hoạt động sản xuất từ các khu công nghiệp và phương tiện giao thông là hai nguồn phát thải khí chính làm ô nhiễm môi trường. Bụi mịn PM 2.5 và khí CO2 thải ra từ những hoạt động trên là “thủ phạm” gây nên các bệnh về đường hô hấp cho người dân địa phương.
Nhằm khắc phục tình trạng này, việc đẩy mạnh trồng cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội là rất cần thiết. Những không gian xanh sẽ góp phần giúp thành phố cải thiện chất lượng không khí. Không chỉ giúp hấp thụ các chất ô nhiễm, bụi bẩn và khí độc hại, mở rộng diện tích trồng cây xanh còn giúp giảm nhiệt độ thời tiết, tránh được ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, tạo ra không gian sống trong lành cho người dân.

Kết luận số 153/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã giao nhiệm vụ cho UBND thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 5 năm tới, đạt mục tiêu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người.
Ngày 2/4 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1216/UBND-NNMT để phát động phong trào thi đua lập thành tích thực hiện đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025". Nhằm phấn đấu trong năm 2025, trên địa bàn thành phố có hơn 700.000 cây xanh được trồng mới, UBND Thành phố yêu cầu các ngành, đoàn thể, địa phương tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng cây, trồng rừng giai đoạn 2021-2025.
Để nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua, thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân cùng tham gia trồng cây với ý nghĩa “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, trong đó nhấn mạnh về vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Khôi phục lại hệ thống cây xanh đô thị và cây trong công viên bị thiệt hại sau mưa bão là một trong những mục tiêu chính của phong trào. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung nghiên cứu trồng cây dọc theo các tuyến đường mới, nhất là đường vành đai 4, cùng các điểm đất trống, đất xen kẹt. Các chiến dịch trồng cây và trồng rừng cũng sẽ được phát động trên những diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. Các hộ gia đình được khuyến khích trồng ít nhất từ 1 đến 2 cây xanh các loại.
Với quyết tâm duy trì tỷ lệ che phủ rừng của thành phố, Hà Nội dự kiến trồng mới khoảng 20-30 ha rừng sản xuất và tiếp tục bảo vệ tốt các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Để sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, chính quyền và người dân cần hợp tác trong việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh, từ đó xây dựng một Hà Nội xanh, sạch và bền vững hơn.
Trong năm 2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới hơn 700.000 cây xanh các loại. Trong đó, có khoảng 350.000 cây ăn quả trồng trên các tuyến đường giao thông đô thị, trụ sở cơ quan, công viên, bệnh viện, trường học và tại các hộ gia đình, khoảng 320.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ.