Khuyến nông cộng đồng - Điểm tựa phát triển nông nghiệp bền vững ở Đắk Nông

Các tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) ngày càng phát huy vai trò tích cực của mình đối với nông dân ở Đắk Nông. Vừa tư vấn - chuyển giao kỹ thuật, KNCĐ giúp nông dân tiếp cận với các công nghệ tiến bộ để phát triển nông nghiệp bền vững.

Trên cơ sở kiện toàn từ các tổ nhóm khuyến nông tại địa phương, Tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) xã Trường Xuân, huyện Đắk Song đã nhanh chóng khẳng định vai trò cầu nối trong sản xuất nông nghiệp. Bám sát nhu cầu thực tế của người dân, tổ đã hỗ trợ kỹ thuật, từng bước thay đổi tư duy canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại những kết quả tích cực ngay từ giai đoạn đầu.

Thời gian qua, Tổ KNCĐ này đã tích cực phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam, HTX Bình Minh, HTX Bechamp… tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu. Các nội dung đào tạo tập trung vào kỹ thuật chăm sóc cà phê, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và chuyển giao lý thuyết về "Bộ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ". 

thanh-vien-to-kncd-xa-truong-xuan-huyen-dak-song-tu-van-cho-nong-ho-cach-cham-soc-phong-tru-benh-hai-cho-cay-trong-1743498211.jpg
Thành viên Tổ KNCĐ xã Trường Xuân (huyện Đắk Song) tư vấn cho nông hộ cách chăm sóc, phòng trừ bệnh hại cho cây trồng

Theo ông Nguyễn Văn Lý (bon Bu Páh, xã Trường Xuân), các thành viên Tổ KNCĐ không chỉ tích cực vận động nông dân tham gia các lớp tập huấn mà còn giúp bà con tiếp cận công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương. Nhờ đó, nhiều mô hình nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường đã và đang hình thành. “Có thể nói, hoạt động của Tổ KNCĐ đã thổi luồng gió mới vào nền sản xuất nông nghiệp, tạo động lực thay đổi tư duy canh tác của nông dân” - ông Lý chia sẻ.

Tại xã Nam Bình (huyện Đắk Song), Tổ KNCĐ đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giám định Cà phê và Hàng hóa Xuất nhập khẩu (CAFECONTROL) tổ chức các lớp tập huấn sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C cho thành viên Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết. Ngoài công tác đào tạo, CAFECONTROL còn tư vấn và hỗ trợ HTX sản xuất hàng trăm tấn cà phê chất lượng cao. Toàn bộ sản phẩm đã được Công ty TNHH MTV Quang Vinh (huyện Đắk Song) ký kết bao tiêu, tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cà phê địa phương.

nguoi-dan-den-tim-hieu-mo-hinh-trong-ho-tieu-huu-co-tai-xa-nam-binh-huyen-dak-song-1743498161.jpg
Người dân đến tìm hiểu mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ tại xã Nam Bình (huyện Đắk Song).

Tổ KNCĐ xã Nam Đà, huyện Krông Nô đã chủ trì tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thu hút gần 1.000 lượt người tham gia. Theo ông Phan Văn Minh - Tổ trưởng, chương trình đào tạo tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như sản xuất cà phê, hồ tiêu, kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được hình thành, điển hình như: Tổ hợp tác trồng hoa, Tổ hợp tác chăn nuôi, nhóm hộ sản xuất cà phê hữu cơ… Những mô hình này giúp người dân nâng cao thu nhập và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Bên cạnh các hoạt động thường xuyên tại địa phương, một số tổ KNCĐ đã từng bước chuyển đổi sang mô hình hợp tác công tư (PPP). Cách làm này không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn cho các thành viên mà còn tạo thêm thu nhập, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.

san-xuat-ca-rot-theo-chuoi-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-san-pham-cua-khuyen-nong-cong-dong-o-xa-quang-son-huyen-dak-glong-1743498268.jpg
Sản xuất cà rốt theo chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của khuyến nông cộng đồng ở xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong).

Điển hình, các tổ KNCĐ tại các huyện Đắk R'lấp, Đắk Glong, Krông Nô… đã thực hiện khảo sát thực trạng sản xuất cà phê tại các xã. Qua các đợt khảo sát, đơn vị tư vấn đã thu thập hơn 5.025 phiếu điều tra thực địa, tạo cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành cà phê tại địa phương.

Không chỉ dừng lại ở việc khảo sát thực trạng sản xuất, các tổ KNCĐ còn phối hợp với Công ty CP TMT Consulting tiến hành thu thập gần 400 mẫu đất để phân tích. Kết quả giúp người trồng cà phê xác định chi tiết về độ phì nhiêu, hàm lượng dinh dưỡng và các yếu tố vi sinh, từ đó có cơ sở khoa học để quản lý dinh dưỡng cho cây trồng như cà phê, hồ tiêu và các loại cây khác.

to-kncd-xa-truong-xuan-huyen-dak-song-tich-cuc-van-dong-nong-dan-tham-gia-lop-tap-huan-tiep-can-cong-nghe-quy-trinh-san-xuat-ca-phe-1743498290.jpg
Tổ KNCĐ xã Trường Xuân (huyện Đắk Song) tích cực vận động nông dân tham gia lớp tập huấn, tiếp cận công nghệ, quy trình sản xuất cà phê.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông, nhấn mạnh: “Việc phân tích đất giúp nông dân bón phân cân đối, hợp lý, nâng cao năng suất cây trồng và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm giảm phát thải khí carbon, bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững tại Đắk Nông”.

Hiện nay, Đắk Nông có 61 tổ KNCĐ với sự tham gia của 705 thành viên. Lực lượng này bao gồm lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ địa chính, nông nghiệp, nhân viên thú y, đại diện các tổ chức đoàn thể địa phương, hợp tác xã (HTX) và nông dân từ các xã, phường./.

Kiến Giang