Chính phủ phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.

thi-trg-1680162711.jpg
Ảnh minh họa

Được biết, Đề án đã đề ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đề ra như sau:

- Hoàn thiện quy định pháp lý về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng;

- Phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT;

- Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT;

- Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan;

- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT;

- Hợp tác quốc tế về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

Bên cạnh đó, xây dựng kênh thông tin chính thống của Bộ Công Thương và các lực lượng chức năng để thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các thông tin cảnh báo người tiêu dùng; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm buôn bán hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Quyết định số 319/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 29/3/2023./.

Nhận thức của người tiêu dùng đang là một khoảng trống, trong quy định Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có quy định, nghĩa vụ người tiêu dùng phải có trách nhiệm lựa chọn hàng hóa dịch vụ đảm bảo về mặt chất lượng, rõ về mặt xuất xứ. Tuy nhiên, trong luật có quy định về nghĩa vụ nhưng chưa có chế tài xử phạt người tiêu dùng khi không thực hiện đúng nghĩa vụ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để phân biệt hàng giả, hàng nhái để dẫn tới hành động từ chối sử dụng những sản phẩm này cần được quan tâm nhiều hơn.
Ánh Dương (t/h)