Thanh Hóa:

Dấu ấn doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp

Trong xu thế toàn cầu hướng đến phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang từng bước chuyển mình theo hướng "xanh hóa". Việc áp dụng các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường không chỉ giúp giảm phát thải, bảo vệ tài nguyên mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng cơ hội cạnh tranh và xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.
nong-nghiep-xanh-1-1744035329.jpg
Công ty CP Mía đường Lam Sơn là doanh nghiệp tiên phong phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn

Doanh nghiệp tiên phong trên hành trình xanh hóa

Nhận thức rõ vai trò của phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những cái tên tiêu biểu là Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco), doanh nghiệp được xem là hình mẫu của mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Với định hướng “không có gì bị bỏ đi”, Lasuco đã xây dựng hệ sinh thái sản xuất khép kín, tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng. Từ năm 1999 đến nay, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào hệ thống lò hơi và tua-bin hiện đại, sử dụng nguồn biomass từ bã mía và vỏ keo để sản xuất năng lượng sạch. Hằng năm, Lasuco chế biến khoảng 81.000 tấn mùn sinh khối phục vụ sản xuất điện.

Năm 2023, doanh nghiệp đã cung cấp 27 triệu kWh điện, trong đó một phần đáng kể được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mục tiêu đến năm 2025 là nâng sản lượng lên 62 triệu kWh, với 42% điện năng đưa lên lưới quốc gia. Không chỉ giải bài toán năng lượng, hệ thống này còn giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt, Lasuco cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon. Giai đoạn 2013–2020, công ty đã bán gần 200.000 tấn tín chỉ CER cho NEPCO (Thái Lan), mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp gắn với thương mại carbon. Tháng 12/2024, Lasuco tiếp tục ký kết hợp tác chiến lược với hai đối tác đến từ Nhật Bản – Idemitsu Kosan và Sagri – triển khai dự án giảm phát thải quy mô lớn tại vùng nguyên liệu mía Lam Sơn.

nong-nghiep-xanh-1-1744035485.png
Trang trại bò sữa Thống Nhất (Yên Định) đang đẩy mạnh đầu tư sản xuất nông nhiệp xanh

Giai đoạn thử nghiệm sẽ được thực hiện trên 500ha đất trồng mía trong năm 2025, sau đó mở rộng lên 8.000ha vào năm 2027. Dự án áp dụng các tiêu chuẩn tín chỉ quốc tế VM0042 của Verra, kỳ vọng tạo ra nguồn tín chỉ chất lượng cao để giao dịch trên thị trường quốc tế. Đây được xem là bước tiến đột phá của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng mục tiêu Net Zero quốc gia vào năm 2050.

Có thể thấy, việc phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ là một cam kết trách nhiệm với môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh tế mới. Những giá trị này đang tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần định hình một nền nông nghiệp hiện đại hơn, xanh hơn.

Lan tỏa mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả

Chuyển đổi xanh không chỉ là câu chuyện của các doanh nghiệp lớn. Tại Thanh Hóa, nhiều mô hình nhỏ và vừa cũng đang tích cực tiếp cận xu hướng này, mang lại hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Một trong những điển hình là Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa tại xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn.

nong-nghiep-xanh-3-1744035573.jpg
Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa tại xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn đã ứng dụng khoa học kỹ thuật và phương pháp hữu cơ vào từng khâu sản xuất.

Với diện tích 5ha tích tụ từ 30 hộ dân, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc công ty đã phát triển một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và phương pháp hữu cơ vào từng khâu sản xuất. Trang trại được quy hoạch thành bốn khu vực: khu trồng rau củ quả rộng 2ha, khu nhà màng – nhà lưới 6.000m² chuyên trồng dưa và ớt chuông, khu cây ăn quả 1,5ha, và khu ao hồ phục vụ điều tiết nước và giao thông nội bộ.

Một trong những yếu tố nổi bật tại Vạn Hoa là việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại, giúp tiết kiệm nước đáng kể so với phương pháp tưới truyền thống. Toàn bộ phân bón sử dụng tại trang trại đều là phân hữu cơ tự chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp như cỏ, lá cây, thân cây và quả hỏng, kết hợp với chế phẩm sinh học. Quy trình ủ phân được thực hiện nghiêm ngặt, không chỉ đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng mà còn giúp cải thiện chất lượng đất về lâu dài.

Nhờ duy trì được độ tơi xốp và dinh dưỡng cho đất, cây trồng tại trang trại phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh trên thị trường.

nong-nghiep-xanh-2-1744035791.jpg
Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông đã hỗ trợ người dân huyện Yên Định trồng ớt ứng dụng công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và xử lý chất thải theo hướng tuần hoàn.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình cũng rất đáng khích lệ: doanh thu trung bình mỗi năm đạt từ 300 đến 400 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương. Quan trọng hơn, sản phẩm của Vạn Hoa đã bắt đầu tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng nhờ vào chất lượng và độ an toàn sinh học.

Từ mô hình của Vạn Hoa, có thể thấy rằng, chuyển đổi xanh không nhất thiết phải bắt đầu từ những bước đi quy mô lớn. Ngay cả những trang trại vừa và nhỏ, nếu biết tận dụng nguồn lực sẵn có và ứng dụng công nghệ phù hợp, vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế bền vững, đồng thời đóng góp tích cực cho môi trường.

Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã tại Thanh Hóa đang chủ động đầu tư vào sản xuất nông nghiệp xanh. Các đơn vị như Trang trại bò sữa Thống Nhất, Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông... đều đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và xử lý chất thải theo hướng tuần hoàn.

Sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong xu thế chuyển đổi xanh là tín hiệu đáng mừng, cho thấy một sự chuyển biến căn bản trong tư duy phát triển nông nghiệp tại Thanh Hóa. Đồng thời, các cấp chính quyền, sở ngành và hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chương trình đào tạo, diễn đàn kinh tế xanh, cũng như hỗ trợ chính sách, kỹ thuật và tiếp cận thị trường.

Với sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, cùng tinh thần chủ động thích ứng của người làm nông, nông nghiệp xanh tại Thanh Hóa không chỉ là xu hướng, mà đang từng bước trở thành một giá trị cốt lõi cho phát triển lâu dài, bền vững và hiệu quả./.

Hà Khải