Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt với thương mại điện tử

Tận dụng thương mại điện tử, các doanh nghiệp không ngừng nâng cao ưu thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế toàn cầu để đẩy tiêu thụ hàng Việt.
hang-viet-len-san-thuong-mai-dien-tu-1-1684656392.jpg
 

Doanh nghiệp bứt phá với thương mại điện tử

Sau khoảng một năm bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon, các sản phẩm thủ công trang trí được làm từ cỏ cây, mây tre Việt đến từ thương hiệu ChicnChill đã đạt mức tăng trưởng doanh thu đến đến 700%.

Doanh số 7 tháng đầu năm 2022 của AnEco, thương hiệu sản xuất và cung cấp các sản phẩm từ nhựa có khả năng phân hủy sinh học đã tăng gấp 5 lần so với năm 2021 khi chưa tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Sau ba năm thành lập, Levents, thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ đã bứt phá trở thành thương hiệu đứng đầu toàn ngành thời trang trên sàn thương mại điện tử Shopee năm 2022 với lượt tìm kiếm và mua hàng cao nhất. Tính đến tháng 7/2022, 1 triệu chiếc áo thun Levents đã chính thức được phát hành trên thị trường.

levents-1684656434.jpg
Bắt nhịp với làn sóng thương mại điện tử, Levents đã bán ra hơn 1 triệu chiếc áo thun chỉ sau 3 năm thành lập

Lĩnh vực nhiều tiềm năng

Tại tọa đàm “Thúc đẩy hàng Việt tham gia thương mại điện tử trong nước và quốc tế” vừa qua, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam đánh giá rất cao sự chuyển dịch nền kinh tế số và xu hướng mua sắm trong và sau đại dịch Covid-19 cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tại Việt Nam.

Theo ông, trước kia nếu việc kinh doanh cần phải mở cửa hàng ở khu phố hay các hệ thống đại lý thì bây giờ người bán hàng có thể trực tiếp lên Internet mở các “trung tâm thương mại.”

“Chỉ có Internet mới tạo ra được sàn giao dịch lên đến hàng triệu doanh nghiệp, hàng tỷ sản phẩm và lượng khách hàng khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp có doanh số tăng lên đến 70-80% khi tham gia các sàn thương mại quốc tế,” ông Toản nhấn mạnh.

Nói về tiềm năng phát triển thị trường phát triển thương mại điện tử trong nước, ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban kinh doanh trực tuyến Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), người mua hàng online các sản phẩm của doanh nghiệp cao hơn 2,4% so với việc mua hàng trực tiếp từ các đại lý, siêu thị. Điều đã này chứng tỏ được sức hút của thương mại điện tử trong việc mua sắm, tiêu dùng ngày nay.

“Hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet và đa phần là người trẻ, đây chính tiềm năng lớn trong việc phát triển lĩnh vực thương mại điện tử,” ông Tòng cho biết.

Mua sắm trên các sàn thương mại điện tử dần trở thành thói quen của người tiêu dùng, dẫn đến lượt truy cập lớn và ổn định. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng có sẵn đã và đang tiếp tục mua sắm tích cực.

thuong-mai-dien-tu-1684656461.jpg
Mua sắm trên các sàn thương mại điện tử dần trở thành thói quen của người tiêu dùng

Tạo ưu thế cạnh tranh

Theo báo cáo e-Conomy report SEA (tạm dịch: Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2022) của Google, Bain và Temasek, Việt Nam được dự báo sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025.

Riêng năm 2022, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế kỹ thuật số phát triển khá nhanh, với mức tăng GMV (tổng giá trị hàng hóa) 28% so với năm 2021. Được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ, GMV của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 31% từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD vào năm 2025.

Trở thành xu hướng tất yếu, thương mại điện tử mang lại những lợi ích cho đồng thời người mua và người bán mà hình thức thương mại truyền thống không đáp ứng được. Chỉ với một thiết bị thông minh có kết nối Internet, bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm thông tin, tra cứu nguồn gốc, xuất xứ, so sánh giá cả và mua sắm các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Việc các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử sẽ mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác gần xa; hoạt động kinh doanh được thực hiện 24/7 nên khách hàng dễ dàng tìm đến các trang thông tin của đơn vị bán hàng, giúp việc mua hàng trở nên nhanh chóng, tiện lợi. Đối tượng khách hàng không còn giới hạn về khoảng cách địa lý hay thời gian làm việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dễ dàng giới thiệu sản phẩm, không cần có mặt bằng mà vẫn có một cửa hàng trực tuyến đúng tên, đúng sản phẩm đang kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. 

Để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm phát triển thương mại điện tử, nhiều chương trình và giải pháp đã được triển khai, tạo điều kiện hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt, nông sản địa phương trên môi trường trực tuyến.

Điển hình, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để thương mại điện tử phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp cần hiểu rõ ngành hàng, xu hướng tiêu dùng, khả năng kinh doanh để lựa chọn những sản phẩm ngách có nhu cầu cao và phù hợp với lĩnh vực kinh doanh. Cùng với đó, luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và luật định đối với sản phẩm tại thị trường mục tiêu, …