
Ngày 18/7/2023 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 866/QĐ-TTg về việc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu rõ, tài nguyên khoáng sản phải được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon.
Thế nhưng, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở nhiều địa phương trên cả nước đang bộc lộ nhiều tiêu cực đến xã hội, môi trường, hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên. Hiện tượng này nếu không được quản lý chặt chẽ, sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững…
Theo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nguồn nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này cũng từng ngày đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.
Còn việc khai thác khoáng sản sai giấy phép, trái phép làm giảm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Điều này cũng làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do không thu được thuế và phí khai thác. Hoạt động này còn làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Khiến đồi núi ở một số nơi bị sạt trượt nghiêm trọng, lũ lụt, động đất, nhiều tuyến đường giao thông bị xuống cấp.

Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực khai thác do bị mất đi nguồn nước sạch, không gian sống xanh và yên tĩnh; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm môi trường như ung thư, bệnh hô hấp, bệnh da... Việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép cũng có thể gây ra những tranh chấp quyền sở hữu và sử dụng đất đai, gây mất an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, quá trình khai thác khoáng sản thường chiếm dụng một lượng lớn tài nguyên đất trong thời gian dài nhưng sau khi kết thúc khai thác, việc hoàn phục khu vực khai thác thường không được quan tâm đúng mức, dẫn đến các khu vực đã khai thác tạo thành những khu vực địa hình trũng, địa hình âm, địa hình lồi lõm không sử dụng được cho các mục đích khác.
Theo đánh giá, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ở nước ta thường có quy mô nhỏ, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và nhất là chạy theo lợi nhuận. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của những doanh nghiệp, cơ sở này chưa cao nên các chủ cơ sở ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu đến môi trường.
Còn theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho biết, cũng giống như khai thác trái phép, nếu những mỏ khoáng sản được cấp phép nhưng không tuân thủ quy định cũng sẽ gây ô nhiễm không khí, nước, đất do khói bụi, chất thải, rò rỉ hóa chất từ các mỏ và nhà máy khai thác gây suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái do phá hủy rừng, đất, đáy biển, cắt đứt các chuỗi thức ăn tự nhiên.

Cho nên, để hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản được thực hiện một cách nghiêm túc, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cấp có thẩm quyền, mà nhất là chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản; Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.
Được biết, thời gian qua việc khai thác khoáng sản, tài nguyên trên trên cả nước diễn biến phức tạp, đơn cử như tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 315 mỏ đá, cát, đất các loại, trong đó các mỏ khoáng sản được UBND tỉnh cấp phép khoảng 298 mỏ, mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép là 17 mỏ. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nhiều chủ doanh nghiệp, cá nhân bị xử phạt hành chính, truy tố, lĩnh án tù…
Hay như thời gian gần đây, người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bức xúc trước tình trạng các tàu hút cát hoạt động liên tục, cắm vòi hút ngày đêm, gây sạt lở nghiêm trọng diện tích đất canh tác và ảnh hưởng đến cây trồng nông nghiệp. Nhiều đoạn phía dưới bờ sông vẫn đang xảy ra tình trạng sạt lở, nhiều đoạn đã bị khoét sâu, tạo thành những hàm ếch lớn, vách taluy dựng đứng ăn sâu vào đất liền khiến đất đai, hoa màu như lạc, ngô, vừng… của người dân cũng lần lượt bị dòng sông nhấn chìm.

Ông Trịnh Việt Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vĩnh Lộc cho biết, trong vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông đã cuốn trôi khoảng 12.000m2 đất nông nghiệp của người dân thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ với chiều dài đoạn sạt lở khoảng 600m, chiều rộng ăn sâu vào bờ khoảng 30m.
Còn theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, trong thời gian vừa qua, trên đoạn sông Mã (khu vực giáp ranh giữa mỏ cát số 18 và mỏ cát số 54 - của Công ty TNHH Nam Lực, nằm tại xã Định Hải, huyện Yên Định) thường xuyên có hoạt động khai thác cát trái phép cả ngày lẫn đêm. Lúc cao điểm, có đến 7 – 8 phương tiện khai thác cát.
Trước tình hình trên, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký hai văn bản gửi các cơ quan chức năng, yêu cầu tạm dừng khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Minh Chung (mỏ số 18) và Công ty TNHH Nam Lực (mỏ số 54) trên sông Mã. Bên cạnh đó tỉnh này ban cũng đã hành quyết định về việc thành lập 3 Đoàn kiểm tra việc chấp hành hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Hay như mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động khoáng sản của 12 doanh nghiệp tại các địa phương bao gồm huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hậu Lộc; TP Thanh Hóa. Trong đó, cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ khoáng sản từ khi được cấp phép khai thác đến nay. Hồ sơ thanh tra, kiểm tra, biên bản kiểm tra, xử lý vi phạm, cụ thể tại các mỏ và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dư luận đặc biệt quan tâm và đề nghị cấp có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát các quy định về ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nhằm cải tạo, phục hồi môi trường và cần làm rõ phương án, trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản để đảm bảo môi trường sống và cảnh quan thiên nhiên ngang bằng với thời kỳ trước khi khai thác./.