Thương mại điện tử Việt Nam 'kích hoạt' đà tăng trưởng kỳ vọng vượt mốc 25 tỷ USD trong năm 2025

Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng bứt phá khi được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Các chuyên gia nhận định, quy mô thị trường TMĐT năm 2025 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023.
thuong-mai-dien-tu-viet-nam-1-1743468444.jpg
Việt Nam đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Điều này tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.(Ảnh minh họa)

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới

Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18% - 25% mỗi năm. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường TMĐT năm 2025 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Điều này tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn online bán lẻ trong nước như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein.

Theo nhà chức trách, mô hình thương mại điện tử ngày càng phức tạp, đa dạng và chưa có quy định điều chỉnh riêng biệt. Chẳng hạn, livestreams bán hàng đang chịu điều chỉnh bởi các quy định chung về thương mại điện tử, như một hoạt động quảng cáo đi kèm bán hàng, mà chưa có quy định riêng với người livestream, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong phiên live.

Cùng với đó, vấn đề kiểm soát hàng giả, kém chất lượng còn phức tạp trong bối cảnh những vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi.

thuong-mai-dien-tu-viet-nam-3-1743468481.jpg
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công Thương, đối với các hoạt động xuyên biên giới còn gặp khó trong quản lý do các quy định chưa đủ mạnh. Điều này dẫn đến nhiều nền tảng bán lẻ online xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức, như Temu, Shein... Việc các sàn này chưa được giám sát, kiểm soát chặt chẽ cũng khiến hàng hóa từ các nước lân cận được tiêu thụ tại thị trường trong nước, ảnh hưởng đến hàng hóa nội địa.

Ngoài ra, nhiều hoạt động bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội chưa được quản lý, thống kê vào số liệu tiêu thụ trong nước. Việc này khiến số liệu thống kê chưa phản ánh đúng sức mua của người dân.

Về giải pháp, ngành chức năng cho biết đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng phân cấp, quyền trong quản lý và giám sát, thanh tra vi phạm, đặc biệt với nền tảng số xuyên biên giới.

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Năm 2024, số thuế thu từ thương mại điện tử tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 116.000 tỷ đồng.

Những thách thức trong quản lý và chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Phân tích về trạng này, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. Phía các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên sàn TMĐT thiếu ý thức, vì mưu cầu lợi ích của mình đã sẵn sàng đưa sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên sàn TMĐT để thu lợi bất chính.

Về phía người tiêu dùng, do chưa hiểu biết đầy đủ, không theo kịp những tình hình diễn biến mới xảy ra, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cá nhân chuộc lợi dẫn đến kết quả cuối cùng là người tiêu dùng phải hứng chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần, sức khỏe.

“Để hỗ trợ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các hội thành viên tỉnh, thành phố xác định công tác tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng, để cung cấp thông tin về những chủ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, giúp người tiêu dùng tránh tình trạng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Hội cũng khuyến khích người tiêu dùng trở thành những người tiêu dùng thông thái, trong lựa chọn và lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, hay mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, trước những dấu hiệu dù vi phạm nhỏ nhất”, ông Trung nêu.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có những điều chỉnh, quy định rất chi tiết về nghĩa vụ của từng chủ thể trong tiêu dùng trên không gian mạng, bao gồm cả chủ sàn TMĐT; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn và người có sức ảnh hưởng. Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đối với sàn TMĐT hoặc chủ của nền tảng số, nền tảng số trung gian, Luật yêu cầu phải công khai đầu mối để xử lý khiếu nại của người tiêu dùng. Cùng với đó, khi người tiêu dùng có bất cứ khiếu nại nào, có thể tìm đến người chủ shop, hoặc yêu cầu sàn TMĐT phải cung cấp đầu mối để cuối cùng giải quyết được khiếu nại của người tiêu dùng.

“Luật cũng đặt ra quy định người bán hàng phải minh bạch và công khai thông tin về sản phẩm mà họ kinh doanh. Phải nói rõ nguồn gốc của sản phẩm, công dụng, chất lượng thậm chí là cả khối lượng, hay cả những tiêu chuẩn rất cụ thể khác… để cho người tiêu dùng khi tìm kiếm sẽ có tất cả những thông tin như thể họ nhìn thấy sản phẩm đó. Đặc biệt, sàn TMĐT phải công khai danh tính của người bán cho người tiêu dùng được biết”, bà Nguyễn Quỳnh Anh chỉ ra.

thuong-mai-dien-tu-viet-nam-4-1743468430.jpg
Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. (Ảnh TTXVN)

Theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), định hướng chiến lược trong phát triển thương mại điện tử rõ ràng là cần tập trung sản phẩm chất lượng, có uy tín. Doanh nghiệp cần xác định thay vì chạy đua về giá thì cần có chiến lược phát triển lâu dài, tránh tình trạng để dư thừa quá nhiều, giá trị quá thấp.

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ, giá trị sản phẩm, trải nghiệm khách hàng; xây dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng. Việc tạo ra các giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh bền vững hơn trong dài hạn.

Năm 2025, nếu giải quyết tốt về các hoạt động trục lợi thương mại điện tử; liên quan đến việc xây dựng hàng rào, chính sách thuế phù hợp với hàng nhập khẩu thì sẽ giúp thương mại điện tử Việt Nam phát triển. Trong năm nay, cần phải có các chính sách về ủng hộ truy xuất nguồn gốc để bảo đảm các hàng Việt Nam có thương hiệu, vừa có thể hoạt động tốt tại thị trường trong nước vừa có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài.

Cần có những hỗ trợ của cơ quan quản lý đối với các vùng sâu, vùng xa, địa phương liên quan đến thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp cũng như các sản phẩm đặc sản. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại điện tử tại các địa phương. Đồng thời, tập trung đào tạo nhân lực cho thương mại điện tử. Chính phủ nên ưu tiên đào tạo cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng chủ động hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để cung cấp nhân lực thương mại điện tử theo nhu cầu.

Ông Nguyễn Bình Minh cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế năm nay dự báo đạt 8%, xa hơn là 2 con số. Điều này cho thấy điều kiện phát triển kinh tế tương đối tốt, với kỳ vọng Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình với nhiều động lực kinh tế. Nhờ đó thương mại điện tử cũng sẽ có động lực phát triển mới như sức mua người tiêu dùng tốt; ngành công nghiệp mới trong thương mại điện tử như livestream sẽ tạo nhiều bước phát triển mới trong năm 2025./.

Trọng Bình