

Trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2024, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, năm vừa qua, GRDP của ĐBSCL tăng 7,3%, cao hơn bình quân cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 28 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), thu nhập của người dân vùng ĐBSCL đang không ngừng tụt hậu so với cả nước.

Không chỉ GRDP bình quân đầu người mà xét đến tổng vốn đầu tư, ĐBSCL cũng ở trong tình trạng tụt hậu. Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), khu vực đồng bằng rộng lớn và nhiều tiềm năng này chỉ nhận được gần 7,6% lượng vốn ODA trong giai đoạn từ 1993 – 2020. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL cũng rất thấp, chiếm khoảng 5,5% tổng số dự án và 6,35% tổng số vốn FDI đăng ký.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, đầu tư vào ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khi tỷ lệ vốn đầu tư công vào vùng chỉ chiếm chưa đến 10% cả nước; trong khi đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn rất hạn chế (vốn FDI vào cả ĐBSCL không bằng 1 tỉnh miền Đông Nam bộ).

Năm 2024, cả vùng ĐBSCL chỉ thu hút được 142 dự án với tổng vốn đăng ký mới là 759 triệu USD, chiếm chưa tới 2% trong tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, riêng Long An góp 124 dự án với số vốn đăng ký hơn 564 triệu USD. Như vậy, con số này thua xa so với vốn FDI một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, như Bà Rịa - Vũng Tàu (1,71 tỷ USD), Đồng Nai (gần 1,9 tỷ USD), Bình Dương (gần 1,95 tỷ USD).
Nếu xét về bình quân đầu người, vốn FDI tại ĐBSCL đạt mức xấp xỉ 1 triệu đồng/người vào năm 2023. ĐBSCL chỉ đứng thứ 5 trong số 6 vùng kinh tế vốn đầu tư FDI bình quân đầu người, và chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên. Nếu trừ Long An thì 12 địa phương còn lại của ĐBSCL, vốn FDI đầu người chỉ đạt 0,65 triệu đồng/người.
Xét về cơ cấu, nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm và có nhiều lợi thế của ĐBSCL nhưng năm 2023 chỉ đạt 2.300 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong các vùng kinh tế và xếp sau vùng Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.


GRDP bình quân và thu hút vốn đầu tư thấp có liên quan trực tiếp đến chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông tại ĐBSCL. Tính đến hết năm 2020, tổng chiều dài cao tốc tại miền Tây chỉ đạt khoảng 100km, thấp hơn một nửa so với chiều dài cao tốc tại riêng tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, theo nhận xét của TS. Trần Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ, tính kết nối của hệ thống giao thông tại ĐBSCL chưa tốt. Hệ thống hạ tầng giao thông và logistics chưa đồng bộ, làm gia tăng chi phí vận chuyển và giảm khả năng cạnh tranh của DN, hàng hóa.
Bên cạnh đường cao tốc thì hạ tầng giao thông đường thủy, dù là ưu thế nhưng cũng đang là điểm nghẽn lớn của vùng. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cho biết, quy hoạch thủy lợi đang “bóp nghẹt” đường thủy miền Tây, khiến tàu lớn khó hoặc không thể di chuyển, gây ra sự hỗn loạn tại một số điểm, chẳng hạn như vùng Tứ giác Long Xuyên đoạn qua Vàm Rạch Sỏi.

Ở góc độ DN, theo ông Trần Chí Nguyện, Phó TGĐ Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, những thách thức lớn vùng ĐBSCL đang đối mặt gồm hạ tầng giao thông, logistics, vốn, nhân lực chất lượng cao đều chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi rủi ro ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu cũng như tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún và sạt lở đất.
“Những yếu tố này không chỉ tác động đến nền kinh tế của vùng mà còn đặt ra thách thức lớn đối với các DN khi mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Nguyện cho biết.
Nhìn nhận ba góc độ chính tạo "điểm nghẽn" của ĐBSCL gồm việc làm, hạ tầng và nguồn lực, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL phân tích, thiếu việc làm dẫn đến người lao động không có thu nhập, nên phải đi nơi khác tìm việc, khi DN đầu tư vào khu vực lại không có lao động, tạo vòng tròn kìm hãm nhau.

Đồng tình với ý kiến, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho hay: Đầu tư thấp, giao thông chưa thuận tiện khiến sinh kế tại ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng người trẻ vùng ĐBSCL “đi Bình Dương”, di cư tới vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ ngày càng trầm trọng.
“Trung bình cứ 1 nghìn dân thì có 40 người di cư khỏi miền Tây, đa số là người trẻ, để lại miền Tây toàn người già, khiến tốc độ già hóa dân số của vùng nhanh nhất cả nước”, ông Trân cho biết.

Để kích hoạt kinh tế vùng ĐBSCL, các DN, chuyên gia và nhà quản lý cùng nhìn nhận, vùng này cần được đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng giao thông (đường bộ, cảng biển), logistics, giúp giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản. Triển khai các chính sách tín dụng xanh và ưu đãi cho DN nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ DN và nông dân cùng đầu tư vào sản xuất hiện đại; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
TS. Trần Thanh Hùng đồng tình và cho biết, giải pháp đầu tiên là tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm. Đây là nền tảng để phát triển ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp và du lịch cho vùng.


Giải pháp thứ hai, khuyến khích, hỗ trợ các DN, hợp tác xã và bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững, tuần hoàn để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm tác động tiêu cực tới môi trường - TS. Tùng chia sẻ.
Theo ông Jonathan London, cố vấn kinh tế Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nếu không có sự thay đổi sâu sắc hơn, những thành quả tăng trưởng sẽ khó duy trì. Vấn đề không chỉ ở số lượng đầu tư, còn chất lượng và tác động của nguồn lực đầu tư. Từ đó, ông đề xuất nên đầu tư và hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu, đào tạo nghề và đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh tạo nhiều việc làm và mang lại giá trị cho cộng đồng địa phương, và cần những tín hiệu rõ ràng hơn cho khu vực tư nhân.
Để giải quyết tình trạng người dân ồ ạt đi Bình Dương hoặc các thành phố khác, theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL) đưa ra giải pháp: Để giữ chân lao động, ĐBSCL cần tạo cơ hội việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt đối với người dân nông thôn.
Cần có liên kết vùng và tiếp cận hình thức đầu tư công - tư (PPP) cụ thể cho từng chương trình, dự án ưu tiên đã được quy hoạch. Khi làm được những chương trình, dự án này thì sẽ tăng cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong vùng, lúc đó sẽ thu hút họ ở lại tìm việc - ông Sánh chia sẻ.
